Trong bài này mình sẽ nói về một khái niệm lạ mà quen, đó là: video podcast.
Lạ vì kể từ khi podcast xuất hiện và dần phổ biến tại Việt Nam rất ít người hiểu về video podcast và cũng không có nhiều nơi nhắc đến thuật ngữ này.
Còn quen là vì rất có thể hàng ngày bạn đang tiêu thụ video podcast trên Youtube, Facebook…mà không hề hay biết.
Vậy video podcast là gì? Có nên làm video podcast không và làm video podcast như thế nào?
Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Nội dung chính
Video podcast là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất thì video podcast là podcast được truyền tải dưới dạng video (viết tắt: vodcast).
Yếu tố video ở đây có thể là một hình ảnh tĩnh, một đoạn phim, cuộc phỏng vấn, cuộc trò chuyện giữa 2 hay nhiều người.
Nếu vậy thì những video trên Youtube cũng được gọi là video podcast???
Điều này không sai nhưng cũng không chính xác 100% đâu nhé!
Về mặt kỹ thuật, video trên Youtube không phải là video podcast, đó đơn thuần chỉ là một video được tải lên Youtube.
Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt gặp video của một số podcaster trên Youtube như: Hiếu TV, Sunhuyn, Tun Cảm Ơn…
Đó chính là video podcast!
Tóm lại, video podcast là sự kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh, được podcaster tải lên các nền tảng phát video như Youtube, Facebook, Vimeo… với mục đích mở rộng phạm vi người nghe chứ không chỉ bó hẹp trên các ứng dụng như Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts…
Có mấy loại video podcast?
Hiện nay, video podcast có 4 loại: hình ảnh tĩnh, trong phòng thu, phỏng vấn từ xa và quay b-roll.
Hình ảnh tĩnh
Đây là loại video podcast dễ thực hiện nhất. Tất cả những bạn cần làm là đó là ghép âm thanh với hình ảnh tĩnh để tạo thành một video.

- Ưu điểm: dễ làm, chỉ cần dùng phần mềm chỉnh sửa video để ghép file hình ảnh và âm thanh lại với nhau.
- Nhược điểm: kém thu hút người nghe (xem). Về bản chất, đây chỉ là cách xuất bản tệp âm thanh lên các nền tảng phát video.
Trong phòng thu
Podcaster dùng các thiết bị như micro, máy ảnh, tripod… để ghi lại cuộc trò chuyện với người khác hay đơn giản là quay chính mình.
Với video podcast dạng này cần ít nhất một chiếc máy ảnh hoặc điện thoại để quay phim và thu âm. Một số podcaster chuyên nghiệp hơn thì thiết lập nhiều camera để thay đổi góc quay.
Phòng thu có thể là studio chuyên nghiệp hay đơn giản chỉ là phòng làm việc, phòng khách, thậm chí là phòng ngủ, miễn sao không gian thu âm phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật (ánh sáng, độ ồn…)
- Ưu điểm: để tạo ra một video podcast dạng này khá đơn giản, chỉ cần setup thiết bị và không gian đạt yêu cầu là được.
- Nhược điểm: phải đầu tư nhiều thiết bị như máy quay, micro, tripod… Ngoài ra, việc chỉnh sửa video cũng lâu hơn.
Phỏng vấn từ xa
Podcaster sẽ sử dụng phần mềm để ghi lại hình ảnh và âm thanh trò chuyện của nhiều người không ở cùng địa điểm. Video podcast dạng này thường là những cuộc phỏng vấn từ xa thông qua các phần mềm như: Zencastr , Zoom, Riverside …
- Ưu điểm: đây là cách duy nhất để có sản xuất một video nếu những người tham gia không cùng địa điểm và nó cũng không yêu cầu thiết bị gì đặc biệt.
- Nhược điểm: phụ thuộc vào chất lượng phần mềm và tốc độ internet. Nếu 1 trong 2 yếu tố trên không đảm bảo, rất có thể video podcast của bạn sẽ thất bại hoặc phải chỉnh sửa rất nhiều.
Quay B-roll
Podcast dạng này là sự kết hợp của nhiều góc máy và cảnh quay khác nhau, địa điểm có thể là trong phòng thu hoặc ngoài trời. Đây được gọi là quay B-roll.

Ví dụ: bạn phỏng vấn một ai đó về chủ đề sưu tầm tem, có lúc thì quay toàn cảnh 2 người, lúc thì quay cận mặt, lúc thì quay bàn tay đang cầm chiếc tem trong khi âm thanh trò chuyện giữa 2 người vẫn phát ra như bình thường. Tức là cảnh sẽ thay đổi liên tục chứ không cố định ở một khung hình.
- Ưu điểm: video podcast có chất lượng cao, hình ảnh trực quan và thu hút người xem.
- Nhược điểm: mất nhiều thời gian, công sức và chi phí, từ khâu quay phim cho đến hậu kỳ (chỉnh sửa video).
Có nên làm video podcast?
Nếu là một podcaster và podcast của bạn đã xuất hiện trên Apple Podcasts, Spotify, Google Podcasts… thì câu trả lời là: CÓ, bạn nên làm video podcast.
Đây là 4 lý do:
Tăng tính kết nối
Chúng ta luôn có xu hướng nhìn vào gương mặt người khác khi giao tiếp hoặc khi xem một nội dung nào đó.
Theo nhiều nghiên cứu, 30% hoạt động của não là dành cho đôi mắt. Ngoài ra, trẻ em trong 24h giờ đầu sau sinh thích nhìn vào gương mặt người khác hoặc những thứ chúng nghĩ là gương mặt, tuổi càng cao thì xu hướng này càng tăng.
Lý giải cho điều này là do trong một số trường hợp các đặc điểm trên khuôn mặt cung cấp nhiều thông tin hơn so với ngôn ngữ nói.
Thế nhưng tất cả những điều trên liên quan gì đến việc làm video podcast???
Câu trả lời chính là: sự kết nối!
Với video podcast, khán giả không chỉ nghe bạn nói mà còn nhìn thấy gương mặt của bạn và những người cùng tham gia, từ đó họ sẽ cảm thấy gần gũi và kết nối sâu hơn với nội dung mà bạn đang thực hiện.
Nhìn chung, video podcast cung cấp nhiều thông tin hơn so với podcast âm thanh.
Tăng lượng người nghe podcast
Hiện nay có rất nhiều người nghe podcast nhưng con số đó chẳng nhằm nhò gì với số người xem video trên Youtube, Facebook, Tiktok…
Sự kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh, cụ thể ở đây là video podcast, sẽ thỏa mãn nhu cầu cả 2 nhóm trên, nhờ vậy mà podcast của bạn sẽ có thêm một lượng người nghe đáng kể.
Theo thống kê của Google, có hơn 1,9 tỷ người truy cập YouTube mỗi tháng, con số này chiếm khoảng 30% lượng người dùng internet trên toàn cầu.
Làm video podcast và tải lên Youtube sẽ giúp cho chương trình của bạn tiếp cận với nhiều người hơn.
Video là vua trên mạng xã hội
Nếu để ý sẽ thấy, trên các ứng dụng như Facebook, Instagram…video thường có chế độ tự động phát mà không có tiếng, đó là vì các nền tảng này tối ưu cho hình ảnh chứ không phải âm thanh.
Vì vậy, nếu muốn podcast có nhiều người nghe hơn thì thêm yếu tố video là điều nên làm, kể cả khi bạn đã làm tốt với podcast âm thanh cũng không thể hấp dẫn ngay lập tức như video podcast.
Video thu hút sự chú ý
Đã bao giờ bạn nghe podcast nào đó nhưng do xao nhãng mà bỏ lỡ một đoạn quan trọng?
Đó chính nhược điểm của podcast âm thanh, nhưng với video podcast mọi người sẽ tập trung hơn khi thưởng thức nội dung của bạn.
Hình ảnh thường dễ gây chú ý hơn âm thanh. Ngoài ra, podcast âm thanh đôi khi hơi mơ hồ, cho dù bạn đã cố dẫn dắt người nghe vào một câu chuyện hấp dẫn hay châm ngòi cho cuộc thảo luận sôi nổi thì cũng phải mất khá nhiều thời gian.
Nhìn chung, kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh là cách tốt nhất để miêu tả chính xác nội dung muốn truyền đạt.
Nhược điểm của video podcast
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho podcaster nhưng video podcast vẫn có một số hạn chế nhất định.
Mất nhiều công sức và chi phí
Với podcast âm thanh, chỉ cần máy tính và một chiếc micro là đủ, nhưng với video podcast bạn sẽ đầu tư thiết bị, thời gian và công sức.
Bạn phải có máy quay hay tối thiểu là một chiếc điện thoại thông minh. Ngoài ra, còn phải học cách quay phim, làm sao để ánh sáng, âm thanh, hình ảnh… kết hợp với nhau một cách hài hòa nhất.
Bên cạnh đó, trang phục, ngoại hình của những người tham gia podcast hay cách bài trí không gian quay phim sao cho đẹp mắt cũng là vấn đề không nhỏ. Cuối cùng, học cách chỉnh sửa video cũng là bước tốn khá nhiều thời gian.
Nhìn chung, để sản xuất ra một video podcast mất nhiều công sức và chi phí hơn podcast âm thanh.
Ảnh hưởng đến chương trình của bạn
Điều này đặc biệt đúng với những podcast phỏng vấn khách mời vì nhiều người thường không thích xuất hiện trước camera cho nên họ có thể từ chối tham gia podcast của bạn.
Hầu hết mọi người đều cảm thấy không thoải mái khi đứng trước ống kính máy quay, trong hoàn cảnh này một podcast âm thanh sẽ phù hợp hơn video podcast.
Không thuận tiện
Podcast trở lên phổ biến và được nhiều người yêu thích bởi tính thuận tiện của nó. Mọi người có thể chủ động nghe khi lái xe, mua sắm…
Trong khi đó, video podcast lại hạn chế khả năng tiêu thụ nội dung vì phải tập trung xem và không thể làm việc gì khác.
Chúng ta đều bận rộn, chưa kể những phiền nhiễu diễn ra hàng ngày. Vì vậy, hãy để mọi người thưởng thức podcast của bạn theo cách dễ dàng và đơn giản nhất.
Không phổ biến trên các ứng dụng nghe podcast
Nhắc đến podcast chúng ta đều nghĩ đến âm thanh. Điều này không có nghĩa là không nên làm video podcast nhưng hãy lưu ý tới hành vi người dùng.
Nếu ai đó tìm kiếm video podcast thì chắc chắn họ sẽ tìm trên Youtube chứ không phải Spotify, Apple Podcasts hay Google Podcasts.
Ngoài ra, hầu hết các ứng dụng podcast đều không hỗ trợ định dạng video. Hãy nắm rõ điều này để đưa ra những chiến lược cụ thể, làm sao cho nội dung của bạn có thể tiếp cận với nhiều người nhất mà không gây lãng phí thời gian của họ.
Cách làm video podcast
Làm video podcast khá đơn giản, đây đơn thuần chỉ là quay video rồi up lên Youtube hoặc các nền tảng phát video khác.
Trong phần này, mình sẽ đưa ra quy trình 5 bước để bạn có thể làm ra một video podcast hoàn chỉnh.
Chọn loại video podcast và lên ý tưởng
Như đã nói ở phần 2, có 4 loại video podcast. Trước tiên, hãy kiểm tra bạn phù hợp với loại nào nhất?
Nếu là video podcast hình ảnh tĩnh thì hãy thiết kế ra những hình ảnh chất lượng, phù hợp với nội dung podcast. Còn nếu là podcast phỏng vấn từ xa thì hãy chuẩn bị cho mình một phần mềm hoạt động ổn định nhất.
Nếu có kế hoạch làm video podcast trong phòng thu hay quay b-roll thì hãy chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và chắc chắn rằng phòng thu luôn gọn gàng, đủ sáng.
Sau khi đã chọn được loại video podcast muốn làm, việc tiếp theo là lên ý tưởng.
Nếu bạn đại diện cho tổ chức hay công ty thì podcast cần đề cao tính chuyên môn, còn nếu là podcast cá nhân thì đơn giản chỉ là chia sẻ về chủ đề mà bạn đang quan tâm.
Với podcast, tính nhất quán là điều quan trọng nhất. Hãy chọn một chủ đề cụ thể và thực hiện xuyên suốt, đừng cố nhồi nhét quá nhiều thứ vào chương trình của bạn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần có một kế hoạch chi tiết khi lên ý tưởng.
Ví dụ: trước cuộc phỏng vấn hãy chia sẻ câu hỏi và kịch bản với khách mời để buổi quay phim diễn ra hoàn hảo nhất.
Thiết bị
Để làm ra một video podcast chất lượng không thể thiếu các thiết bị. Vậy chúng gồm những gì?
- Micro: âm thanh là trái tim của podcast. Vì vậy, hãy sắm một chiếc mirco ngoài. Tất nhiên bạn có thể thu âm trực tiếp bằng máy ảnh hay điện thoại nhưng chắc chắn chất lượng sẽ không bằng micro ngoài.
- Máy quay: tùy vào loại video podcast bạn làm mà chọn mua máy quay phù hợp (video podcast hình ảnh tĩnh thì không cần). Một chiếc máy ảnh hay một chiếc điện thoại đều có thể sản xuất ra những đoạn phim theo ý muốn. Nếu có điều kiện, có thể dùng nhiều máy để thay đổi góc quay, chắc chắn podcast sẽ chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
- Chân máy (tripod): với những khung hình cố định thì chân máy là thiết bị không thể thiếu và nó rất cần thiết cho những video podcast trong phòng thu. Trên thị trường có nhiều loại tripod dành cho máy quay và điện thoại với nhiều mức giá khác nhau, bạn có thể chọn mua theo nhu cầu và túi tiền.
Quay phim và ghi âm
Để sản xuất một video podcast hoàn chỉnh hay ít nhất là “xem được”, bạn phải học các kỹ năng quay phim cơ bản. Mình sẽ không đi sâu vào vấn đề này vì những kiến thức đó rất nhiều trên internet, bạn có thể tự học.
Dưới đây là một số kinh nghiệm nhỏ để quá trình quay phim diễn ra hiệu quả và không căng thẳng.
- Giữ cho máy quay và micro luôn hoạt động. Đừng quá bận tâm đến việc bật tắt thiết bị khi nói sai hay có phân cảnh lỗi, chúng ta sẽ cắt bỏ chúng ở khâu hậu kỳ.
- Trước khi bấm máy, cả bạn và những người tham gia podcast hãy thả lỏng cơ thể và giữ tâm lý thoải mái, tự nhiên.
- Không nhất thiết phải sử dụng các thiết bị ánh sáng chuyên nghiệp nhưng hãy đảm bảo không gian quay phim đủ sáng. Như vậy video sẽ sắc nét và rõ ràng hơn.
- Với podcast phỏng vấn từ xa, cần đảm bảo phần mềm thu âm và ghi màn hình hoạt động ổn định, đừng quên kiểm tra đường truyền internet bạn nhé.
Chỉnh sửa video
Hiện nay có nhiều phần mềm chỉnh sửa video, ở mức cơ bản thì có iMovie, Camtasia…chuyên nghiệp hơn thì Final Cut Pro, Adobe Premiere Pro hoặc After Effects.
Trong quá trình chỉnh sửa hãy chú ý tới âm thanh video, cụ thể như sau:
- Như đã nói ở trên, hãy ghi âm bằng một chiếc micro ngoài.
- Âm lượng phù hợp, không quá to hay quá nhỏ, những đoạn chuyển tiếp, ngắt quãng cần rõ ràng và sắc nét.
- Hình ảnh và âm thanh phải đồng bộ với nhau, khớp khẩu hình. Tất cả là để mang lại trải nghiệm hoàn hảo và chuyên nghiệp cho khán giả của bạn.
Sau khi đã chỉnh sửa xong nội dung chính, bạn có thể thêm một số yếu tố để tăng tính hấp dẫn cho video.
- Chèn một đoạn giới thiệu ngắn, một đoạn nhạc hay một bài hát liên quan đến nội dung podcast ở đầu video.
- Thêm văn bản, hình minh họa. Ví dụ như: tên tuổi, thông tin của những người tham gia chương trình hoặc vài tấm ảnh hài hước để tạo cảm xúc vui nhộn.
- Thêm phụ đề để những người khiếm thính cũng có thể thưởng thức podcast của bạn.
Cuối cùng là thiết kế ảnh đại diện cho video (thumnail). Một tấm ảnh đại diện hấp dẫn sẽ “lôi kéo” người xem nhấp vào video của bạn vì đây là thứ đầu tiên họ nhìn thấy.
Hãy dùng những hình ảnh liên quan đến nội dung podcast hoặc ảnh chụp màn hình từ video đó, sau đó thêm logo hoặc văn bản, chú ý hình ảnh và chữ phải rõ ràng bạn nhé.
Đăng tải và quảng bá
Sau khi hoàn thành tất cả những bước trên, đã đến lúc đăng tải video podcast.
Youtube là địa chỉ đầu tiên mà bạn cần phải đăng video podcast. Có lẽ chúng ta không phải nói quá nhiều về nền tảng phát video này, hầu hết mọi người khi muốn xem video thì Youtube là cái tên đầu tiên họ nghĩ tới.
Việc đăng tải video podcast lên Youtube không chỉ giúp bạn gia tăng lượng người xem mà còn có cơ hội kiếm tiền từ nền tảng này.
Tất nhiên, ngoài yếu tố nội dung thì bạn phải tìm hiểu thêm về SEO Youtube và các thủ thuật tối ưu video, những kiến thức này đầy rẫy trên mạng, bạn có thể tự học.
Một số podcast hosting như Podbean, Castos…còn cho phép người dùng tải lên file định dạng video và liên kết trực tiếp với Youtube.
Sau khi đăng tải, việc cuối cùng đó là quảng bá video podcast để nhiều người biết đến hơn. Dưới đây là một số nơi để bạn chia sẻ video podcast:
- Các ứng dụng nghe podcast như: Apple Podcasts, Spotify, Google podcast.
- Mạng xã hội: Facebook, Instagram…
- Website hay blog cá nhân (nếu có)
- Chia sẻ qua email (Email Marketing)
Hãy tận dụng tất cả những kênh truyền thông bạn biết để chia sẻ và quảng bá podcast, mục đích là để càng nhiều người biết càng tốt.
Lời kết
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về video podcast.
Nếu là người mới bắt đầu làm podcast thì không nhất thiết phải làm video podcast ngay lập tức, hãy bắt đầu bằng podcast âm thanh và tập trung vào chất lượng chương trình. Đến một thời điểm nào đó, khi podcast của bạn đã có lượng người nghe nhất định thì hãy bắt tay vào làm video podcast để mở rộng phạm vi tiếp cận bạn nhé!
Chúc bạn thành công. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!
Bài viết rất bổ ích! Mình đang bắt đầu làm podcast. Nếu làm video pocast dạng hình ảnh tĩnh thì nên dùng công cụ gì để ghép cho đơn giản bạn nhỉ?
Nhiều lắm b ạ, đơn giản thì có Camtasia, Filmora…, còn chuyên nghiệp hơn thì dùng Pr, Davinci… Mình thì hay dùng Pr, bạn lên youtube học cách sử dụng là làm đc thôi
Bài viết thật tuyệt vời, rất nhiều kinh nghiệm bổ ích. Cám ơn bạn rất nhiều. ?
Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của mình ^^