Các ứng dụng như: Apple Podcasts, Spotify, Google Podcasts… thu thập dữ liệu podcast của chúng ta thông qua RSS Feeds và liệt kê theo danh mục để mọi người có thể nghe, tìm kiếm và đăng ký kênh.
Đưa podcast lên các nền tảng và ứng dụng nghe podcast hàng đầu thế giới là công việc rất quan trọng đối với một podcaster vì đây là cách quảng bá nội dung hiệu quả nhất.
Hầu hết người nghe đều sử dụng những nền tảng podcast để tìm kiếm nội dung mới. Vì vậy, nếu podcast của bạn không xuất hiện ở đó thì rất khó để mọi người biết đến.
Trong bài này, mình sẽ đưa ra 10 nền tảng và ứng dụng nghe podcast phổ biến nhất mà một kênh podcast phải xuất hiện ở đó, điều này sẽ giúp cho nội dung của bạn có cơ hội tiếp cận với nhiều người nghe hơn, từ đó phát triển mạnh mẽ hơn.
Nội dung chính
Top 10 nền tảng và ứng dụng nghe podcast phổ biến nhất
Hầu hết người nghe sẽ tìm thấy podcast của bạn ở 1 trong 10 cái tên dưới đây, vì vậy hãy gửi kênh podcast của mình lên những nền tảng này, ngay khi xuất bản tập đầu tiên.
Apple Podcasts
Apple Podcasts là ứng dụng nghe podcast lâu đời nhất, lớn nhất và được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Theo thống kê của Buzzsprout – 28,3% người nghe podcast trên thế giới sử dụng Apple Podcasts để nghe những chương trình yêu thích, phần lớn là thông qua ứng dụng Podcast trên iPhone.
Apple Podcasts cho phép người nghe đánh giá, chia sẻ nội dung, từ đó cung cấp cho podcaster những thông tìn giá trị, giúp cải thiện nội dung và nâng cao vị trí trên bảng xếp hạng.
Nếu đã được liệt kê trên Apple Podcasts thì podcast của bạn cũng xuất hiện trên những nền tảng sau:
- iCatcher
- Castaway 2
- Podcast Republic
- BeyondPod
- Overcast
- PocketCasts
- Castro
- Castbox
- Downcast
- Podcruncher
- Blubrry
- AntennaPod
- doubleTwist
Vì vậy, khi podcast của bạn đã sẵn sàng thì việc đầu tiên cần phải làm đó là gửi kênh lên ứng dụng này, và đây là cách thực hiện >>> Cách đăng podcast lên Apple Podcasts
Spotify
Spotify là một trong những ứng dụng nghe podcast phổ biến nhất và là ứng dụng hàng đầu về số lượt tải xuống podcast.
Spotify thực chất là dịch vụ nghe nhạc trực tuyến với lượng người dùng khổng lồ. Chính vì vậy, nếu podcast của bạn xuất hiện trên nền tảng này thì sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau.
Spotify cũng có tính năng thống kê và theo dõi hiệu suất podcast. Tuy nhiên, điểm khó chịu nhất ở ứng dụng này đó là quảng cáo hơi nhiều, gây khó chịu cho người nghe.
Ứng dụng Spotify có thể cài đặt trên cả hệ điều hành IOS và Android. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho những người dùng thiết bị Android, khi mà không thể cài đặt Apple Podcasts trên điện thoại của họ.
Vì vậy, việc được liệt kê trên Spotify sẽ đảm bảo rằng: tất cả mọi người đều có thể nghe chương trình của bạn, và đây là cách thực hiện >>> Cách tạo podcast trên Spotify
Google Podcasts
Google Podcasts là ứng dụng được phát triển bởi Google, phát hành vào tháng 6/2018. Nền tảng này đã trở nên phổ biến hơn kể khi loại bỏ Google Play Music và chuyển thành Google Podcasts.
Mặc dù có ít người sử dụng hơn Apple Podcasts và Spotify nhưng việc liệt kê podcast trên Google Podcasts là cách tốt nhất để tiếp cận người dùng thiết bị Android.
Vào năm 2020, Google đã phát hành Google Podcasts Manager để podcaster theo dõi podcast và nhận dữ liệu người nghe. Tại đây, bạn có thể xem thống kê về số lượng người đang nghe, đã nghe, thời gian nghe bao lâu… nhìn chung là rất chi tiết và đầy đủ.
Google Podcasts không có quy trình gửi tiêu chuẩn mà thay vào đó là sử dụng công nghệ tìm kiếm để thu thập dữ liệu, sau đó liệt kê podcast trên ứng dụng của họ.
Vì vậy, trước khi gửi yêu cầu hãy chắc chắn rằng podcast của bạn đã tuân thủ các nguyên tắc của Google để được liệt kê trên Google Podcasts.
Podcast Addict
Podcast Addict không lớn như Apple Podcasts, nhưng nó là một trong những ứng dụng nghe podcast phổ biến nhất cho người dùng Android với hơn 10 triệu lượt tải xuống (xếp sau Google Podcasts).
Vì vậy, ngay bây giờ hãy tìm kiếm podcast của bạn xem đã xuất hiện trên Podcast Addict hay chưa, nếu chưa hãy gửi yêu cầu, podcast của bạn sẽ xuất hiện trên Podcast Addict trong vòng 24 giờ.
Stitcher
Stitcher là một trong những ứng dụng nghe podcast đầu tiên dành cho thiết bị Android. Trước đây Stitcher chiếm khoảng 5% tổng số lượt tải xuống podcast trên toàn cầu nhưng nay đã giảm xuống dưới 2%.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của podcast như hiện nay, 2% vẫn là con số rất lớn, có nhiều người vẫn nghe podcast trên Stitcher. Vì vậy, xuất hiện trên Stitcher là cách tốt nhất để podcast của bạn tiếp cận với nhiều khán giả hơn.
Stitcher cũng có chức năng phân tích và thống kê hiệu suất podcast, giúp bạn cải thiện nội dung tốt hơn. Bạn có thể cài đặt Stitcher trên iOS, Android, máy tính, loa thông minh và nó còn được tích hợp trên 50 mẫu xe hơi.
Pandora
Pandora là một trong những nền tảng nghe podcast tốt nhất trên thế giới và nó đang phát triển từng ngày. Tính đến năm 2020, Pandora đã có hơn 58 triệu người dùng và hàng triệu giờ âm thanh đã được phát trực tuyến.
Gần đây, Pandora đã nới lỏng quy trình xét duyệt podcast để mở rộng thị trường, cho nên đây là nền tảng mà chắc chắn podcast của bạn phải có mặt ở đó.
iHeartRadio
iHeartRadio là một trong những website nghe podcast lớn nhất thế giới. Nền tảng này hoạt động tương tự như Pandora, cho phép phát nhạc, radio, podcast trên điện thoại, máy tính bảng, ô tô, tivi và cả thiết bị chơi game.
Bạn có thể gửi podcast của mình lên iHeartRadio bằng cách thủ công, vì vậy đừng bỏ qua nền tảng này nhé!
TuneIn
TuneIn là trình phát podcast mặc định cho Alexa của Amazon. Đây là ứng dụng nghe radio và podcast với hơn 75 triệu người dùng.
TuneIn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số lượt nghe podcast trên toàn thế giới (dưới 1%), nhưng bạn vẫn nên gửi kênh lên nền tảng này vì với mối quan hệ đối tác của họ thì podcast của bạn sẽ có mặt ở vài nơi khá hay ho, ví dụ như xe Tesla.
Ứng dụng TuneIn có trên Android, iOS, Google Home và nó tương thích với cả Android Auto lẫn Apple CarPlay (nền tảng giao diện điều khiển xe hơi)
Amazon Music
Vào năm 2020, Amazon đã chính thức thêm podcast vào dịch vụ Amazon Music của họ và đến nay đã có hơn 55 triệu người nghe.
Nếu podcast của bạn được liệt kê trên Amazon Music sẽ có cơ hội tiếp cận với những người đã quen với âm thanh kỹ thuật số nhưng chưa biết nhiều về podcast.
Người dùng có thể nghe trên ứng dụng Amazon Music hoặc Amazon Alexa trên hệ điều hành IOS và Android và trên tất cả các thiết bị Echo.
Listen Notes
Listen Notes là công cụ tìm kiếm podcast tốt nhất hiện nay và nó được ví như Google của podcast. Người dùng có thể tìm kiếm podcast theo chủ đề, tên kênh, tác giả… và tất cả đều được hiển thị rõ ràng, chính xác.
Nếu bạn đang sử dụng podcast hosting thì có thể gửi kênh lên Listen Notes chỉ với 1 cú click chuột, khi đó podcast của bạn sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Listen Notes.
Một số nền tảng khác
Mặc dù những không phổ biến như các ứng dụng kể trên trên nhưng những nền tảng dưới đây vẫn thu hút hàng triệu người nghe podcast trên toàn cầu.
Podcast Index
Khi mà những nền tảng khác thực hiện nhiều động thái trong lĩnh vực podcasting thì việc có một nền tảng mở và dễ tiếp cận là điều rất quan trọng với podcaster.
Chính vì vậy, Podfather Adam Curry và Dave Jones đã tạo ra Podcast Index như một nền tảng mã nguồn mở độc lập và không có quảng cáo hoặc lợi nhuận.
Nền tảng này hiện có hơn 4 triệu podcast được lập chỉ mục và tất cả các ứng dụng đều có thể sử dụng Podcast Index để tìm chương trình mới.
Pocket Casts
Đây là ứng dụng nghe podcast của Pocket Cast (thuộc quyền sở hữu của NPR). Ứng dụng này sở hữu những công cụ mạnh mẽ để giúp người nghe tìm kiếm và tiếp cận với nhiều chương trình yêu thích hơn.
Pocket Cast hoàn toàn miễn phí và có thể cài đặt trên hệ điều hành iOS, Android, cùng với đó là Amazon Echo, Sonos, Chromecast, Airplay, Apple Watch, Carplay và Android Auto.
RadioPublic
RadioPublic là ứng dụng nghe podcast có tuổi đời hơn 15 năm và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Nền tảng này tập trung vào trải nghiệm của người dùng với phần danh sách phát được quản lý rất khoa học, cùng với đó là nhiều tính năng hữu ích dành cho podcaster.
Người dùng có thể nghe podcast trên RadioPublic bằng máy tính hoặc qua ứng dụng di động cho hệ điều hành iOS và Android.
Castbox
Castbox ra đời vào 2016 với nhiệm vụ đơn giản hóa quá trình nghe và khám phá podcast. Hiện nay, Castbox sở hữu nhiều công cụ mạnh mẽ và tích hợp trí tuệ nhân tạo AI để giúp người dùng tìm kiếm nội dung chính xác hơn. Hiện tại, nền tảng này có khoảng 95 triệu tập trong thư viện.
Để được liệt kê trong Castbox, hãy đăng ký tài khoản trong Creator Studio của họ, sau đó chọn Claim Ownership rồi khai báo địa chỉ email và nguồn cấp dữ liệu RSS là được. Nếu podcast của bạn đã được liệt kê trên Apple Podcasts thì sẽ tự động có mặt trên Castbox, bạn không phải làm gì cả.
Deezer
Deezer có giao diện tương đối giống Spotify nhưng nó chủ yếu được sử dụng ở Châu Âu. Tương tự như Spotify, nền tảng này ban đầu là một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến nhưng hiện nay đã bổ sung thêm chuyên mục podcast.
Deezer có khoảng 14 triệu người dùng và tất cả số tiền thu được từ quảng cáo đều được chuyển đến các nghệ sĩ và podcaster.
Player FM
Player FM là ứng dụng nghe podcast sử dụng công nghệ đám mây để đồng bộ hóa. Ứng dụng này tập trung vào việc tìm kiếm và khám phá podcast dựa theo chủ đề, từ đó đưa ra đề xuất phù hợp nhất.
Player FM là nền tảng tuyệt vời, không chỉ cho podcaster mà còn cho cả khán giả – những người thích khám phá các chương trình mới.
Acast
Không chỉ là ứng dụng nghe podcast, Acast còn là một mạng lưới podcast và cung cấp dịch podcast hosting. Tính đến nay, ứng dụng này đã đạt hơn 60 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Bạn có thể cài đặt trên cả thiết bị iOS và Android.
Acast sử dụng công nghệ thông minh để người dùng có thể chia sẻ podcast với bạn bè, người thân và điều này rất có lợi cho podcaster. Vì vậy, Acast là nền tảng mà podcaster không nên bỏ qua.
Women in Podcasting
Women in Podcasting dành cho những podcaster là phụ nữ, nó ra đời với mục đích mang lại tiếng nói bình đẳng trong cộng đồng podcasting.
Nếu bạn là phụ nữ và đang sở hữu 1 kênh podcasts thì Women in Podcasting là một trong những nền tảng tốt nhất để quảng bá nội dung hướng tới đối tượng chủ yếu là phụ nữ..
Learn Out Loud
Learn Out Loud là nền tảng có nội dung giáo dục và là một trong những nền tảng nghe podcast lớn nhất về học thuật và thông tin.
Nếu bạn sở hữu một podcast chủ đề giáo dục như: lịch sử, văn học, khoa học, tôn giáo… thì Learn Out Loud là sẽ giúp bạn khai thác đúng đối tượng cho chương trình của mình.
Nền tảng podcast tích hợp tính năng xã hội
Hầu hết những người đam mê podcast đều am hiểu công nghệ, vì vậy họ đã phát triển những nền tảng podcast độc lập, dễ tìm kiếm và tạo ra cộng đồng những người nghe podcast.
Các nền tảng nghe podcast dưới đây rất mạnh về khía cạnh truyền thông xã hội thông qua khả năng tìm kiếm, chia sẻ và giới thiệu.
Podchaser
Podchaser giống như một IMDB dành cho những người làm podcast. Người dùng Podchaser có thể tìm kiếm nội dung mới và xem hồ sơ podcast để hiểu rõ hơn về podcaster và nội dung đang thực hiện.
Website của Podchaser thân thiện với thiết bị di dộng nhưng thật tiếc là chưa có ứng dụng dành cho điện thoại.
Breaker
Breaker còn được mệnh danh là “The Social Podcast App” bởi nó cho phép bình luận ở mỗi tập podcast kết hợp với nhiều tính năng độc đáo khác.
Với Breaker, người dùng có thể xem những gì bạn bè đang nghe, thậm chí là like, nhận xét những podcast yêu thích của người khác.
Không giống như Apple Podcasts và các nền tảng khác xếp hạng podcast dựa trên lượt nghe, Breaker lại xếp hạng podcast dựa theo lượng like và bình luận.
Podcast Gang
Podcast Gang là trang web nghe podcast lấy tính năng truyền thông xã hội làm “trái tim”.
Podcast Gang có danh sách phát và phần đánh giá tương tự như Apple Podcasts nhưng nền tảng này lại xếp hạng podcast theo đánh giá, lượt tải xuống, like và subscribers.
Để gửi podcast lên Podcast Gang, chọn “Add Podcast” ở cuối trang chủ và làm theo hướng dẫn.
Những cách khác để quảng bá podcast
Việc liệt kê podcast trên những nền tảng và ứng dụng podcast không phải là cách duy nhất để quảng bá nội dung. Hãy tận dụng những kênh phân phối truyền thống để mọi người biết đến podcast của bạn.
Đăng video clip ngắn hoặc chia sẻ podcast từ những ứng dụng trên lên Facebook là cách tốt nhất để phát triển và có thêm người nghe podcast của bạn.
Hiện nay, có nhiều công cụ để tạo podcast bằng video và soundbites, kèm theo liên kết đến website podcast. Hãy chia sẻ chúng lên Facebook để mọi người có thể nghe và theo dõi chương trình của bạn.
Facebook đã chính thức ra mắt dịch vụ Facebook Podcasts để người dùng có thể nghe podcast ngay trên ứng dụng của họ mà không phải chuyển hướng sang các nền tảng khác.
Nếu đang sở hữu một kênh podcast thì hãy thêm podcast vào Facebook, vì đây là cách tuyệt vời nhất để quảng bá nội dung và phát triển đối tượng nghe chương trình của bạn. ĐỌC NGAY >>> Cách thêm podcast vào Facebook
YouTube
Đăng video podcast lên YouTube là một cách tuyệt vời để chia sẻ nội dung của bạn với những người không dùng ứng dụng podcast.
Với Youtube bạn có thể tương tác với người xem trong phần bình luận và xuất bản các clip ngắn để tạo hứng thú cho người nghe.
SoundCloud
SoundCloud là dịch vụ nghe nhạc trực tuyến nổi tiếng toàn cầu và nền tảng này cũng có chuyên mục dành riêng cho podcast.
Sau khi tạo tài khoản Soundcloud, bạn hãy tải podcast lên đó và liên kết chúng với những ứng dụng nghe podcast để người dùng có thể đăng ký chương trình của bạn.
Lời kết
Liệt kê podcast lên những nền tảng và ứng dụng podcast hàng đầu là công việc rất quan trọng, điều này không chỉ giúp podcast phát triển mà nội dung của bạn sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với nhiều người hơn.
Vì vậy, ngay bây giờ hãy tạo một kênh podcast và gửi yêu cầu tới những nền tảng trên bạn nhé. Chắc chắn chương trình của bạn sẽ có thêm nhiều người nghe đấy!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Nếu có góp ý hay thắc mắc về nội dung bài viết, bạn vui lòng comment phía dưới!
[…] truy cập vào các ứng dụng nghe podcast phổ biến như: Apple Podcasts, Spotify, Google Podcasts… rồi gõ tên định đặt vào ô tìm […]