Trong podcast có một số khái niệm rất khó hình dung nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng – một trong số đó chính là RSS Feeds.
Nhiều người cho rằng: chúng ta không cần RSS Feeds để tạo podcast, nhưng có người lại nói: RSS Feeds là điểm khác biệt nhất giữa podcast với bất kỳ loại nội dung phát trực tuyến nào.
Vậy thì trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ khái niệm RSS Feeds Podcast và tại sao nó lại quan trọng đến vậy, cùng với đó là những góc nhìn thú vị khác. Cùng theo dõi nhé!
Nội dung chính
RSS Feeds là gì?
RSS Feeds hay còn gọi là nguồn cấp dữ liệu RSS. Từ RSS là viết tắt của Really Simple Syndication, tạm dịch: phân phối cực kỳ đơn giản.
Từ Syndication (phân phối) được hiểu là: chuyển nội dung từ nơi này sang nơi khác một cách công khai. Ví dụ như một series phim nhiều tập chuẩn bị được phát sóng, công ty sản xuất phim sẽ cho phép một mạng truyền hình khác kiểm soát danh mục các tập và hiển thị chúng đến khán giả của họ. Điều này tương tự như cách mà Netflix đang thực hiện với các nhà sản xuất phim.
Hiểu một cách đơn giản hơn thì RSS Feeds đóng vai trò chuyển nội dung từ máy chủ lưu trữ phương tiện (nơi lưu trữ tệp) đến một thư mục hoặc một ứng dụng mà mọi người có thể nghe, xem hoặc đọc nó.
Nội dung ở đây có thể là tệp âm thanh, bài viết hoặc trang tin tức. Ví dụ: các ấn bản kỹ thuật số của một tờ báo gửi đến ứng dụng đọc tin tức, nơi mọi người có thể đọc hoặc nghe chúng.
RSS là thường có định dạng XML và không bị hạn chế nên bạn có thể thêm bao nhiêu nội dung cũng được. RSS Feeds được phát triển bởi Netscape vào cuối những năm 90 và nó được ứng dụng rất nhiều trong các web tin tức, blog và cả podcast.
RSS Feeds podcast là gì?
RSS Feeds Podcast có nhiệm vụ đưa một tệp âm thanh (trong trường hợp này là một tập podcast) từ máy chủ lưu trữ (podcast hosting) đến các thư mục podcast như: Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts… đây chính là những ứng dụng mọi người có thể tìm và nghe podcast của bạn.
Khi tải podcast lên máy chủ lưu trữ (hay còn gọi là podcast hosting), dịch vụ này sẽ tự động tạo RSS Feeds dưới dạng URL và bạn có thể gửi URL này đến các ứng dụng nghe podcast.
URL này là duy nhất và là công cụ xác nhận podcast của bạn. Nếu sử dụng dịch vụ lưu trữ của Buzzzsprout thì RSS Feeds Podcast sẽ trông như thế này:
Có vẻ như nãy giờ bạn đang ngập tràn trong những khái niệm công nghệ quá khó hiểu phải không?
Vậy thì mình xin trích dẫn một ví dụ trên The Podcast Host, đọc xong chắc chắn bạn sẽ hiểu rõ hơn về RSS Feeds Podcast.
Giả sử podcast của bạn là một chuyến tàu và trên đó chở một cô ca sĩ rất nổi tiếng ( cô ca sĩ này chính là nội dung của bạn). RSS Feeds là tuyến đường sắt để tàu chạy, podcast hosting là điểm xuất phát, ứng dụng nghe podcast (Spotify, Apple Podcasts…) là nhà ga.
Con tàu bắt đầu khởi hành từ điểm xuất phát (podcast hosting) và nó di chuyển trên tuyến đường sắt (RSS Feeds) đến nhà ga (ứng dụng nghe podcast) – nơi mà người hâm hộ đang chờ đón cô ca sĩ kia.
Lúc này, người hâm mộ không quan tâm đến tuyến đường sắt, đến cách hoạt động của chuyến tàu hay nó đến từ đâu. Điều duy nhất họ quan tâm đó chính là thần tượng của mình – cô ca sĩ.

RSS Feeds là một định dạng được tiêu chuẩn hóa và máy tính có thể đọc được để đảm bảo tính nhất quán.
Bằng cách này, tàu của bạn sẽ chạy trên tuyến đường sắt mà không bao giờ bị lạc hay trật bánh vì lộ trình đã được chuẩn hóa, cho nên những người hâm mộ đều biết rằng: tàu sẽ đưa cô ca sĩ đến nhà ga.
Cách tạo RSS Feeds podcast
Thực tế thì chúng ta có thể tự tạo RSS Feeds cho podcast của mình, nhưng với một podcaster chuyên nghiệp thì điều này không cần thiết.
Chỉ cần sử dụng podcast hosting để lưu trữ các tập podcast thì dịch vụ này sẽ tự động tạo RSS Feeds cho bạn.
Không chỉ tạo, lưu trữ, podcast hosting còn phân phối RSS Feeds của bạn tới các thư mục, ứng dụng nghe podcast.
Công việc của bạn chỉ là thiết lập thông tin kênh podcast, sau đó họ sẽ gửi và đồng bộ những thông tin này lên ứng dụng nghe Podcast mà bạn chọn. Rất đơn giản phải không?
Podcaster sử dụng RSS Feeds để làm gì?
Như mình đã nói ở trên, máy tính có thể đọc được RSS Feeds nhưng con người thì không, chúng ta chỉ biết đó là một URL chứa các ký tự chữ số.
Tuy nhiên, những ứng dụng nghe podcast thì có thể đọc và giải mã RSS Feeds nếu được yêu cầu. Vì vậy, bạn có thể sử dụng RSS Feeds để:
- Tạo podcast trên Spotify
- Đăng podcast lên Apple Podcasts
- Gửi kênh podcast lên Google Podcasts
- Thêm podcast vào Facebook
Ngoài ra, RSS Feeds còn dùng để tạo podcast website, quảng bá chương trình… và trong tương lai nó có thể làm được nhiều hơn thế nữa.
Tầm quan trọng của RSS Feeds podcast
RSS Feeds là chuẩn hóa, duy nhất và ổn định, nhờ vậy mà nội dung của bạn có thể tiếp cận với người nghe.
Nếu đăng trực tiếp podcast lên một nền tảng hay ứng dụng nào đó, lúc này bạn sẽ bị phụ thuộc. Nếu một ngày nền tảng đó biến mất thì bạn sẽ mất quyền kiểm soát và podcast của bạn sẽ không thể tiếp cận với người nghe.
Ví dụ: bạn đăng trực tiếp 1 video lên Youtube, nếu Youtube “sập”, ngừng hoạt động thì chắc chắn mọi người sẽ không thể xem video của bạn nữa.
Vì vậy, khi sở hữu RSS Feeds tức là bạn đã kiểm soát podcast và kiểm soát việc kiếm tiền từ nội dung của mình.
Trong một bài báo gần đây, Ross Adams – CEO của Acast đã nhận định rằng:
Lời kết
RSS Feeds không đơn thuần là một URL, nó còn là công cụ để nhận diện podcast của bạn và là một phần không thể thiếu trong podcasting, nơi mà thông tin được truyền từ người sáng tạo đến khán giả của họ.
Bạn có thể tìm thấy RSS Feeds trong podcast hosting và nó luôn hoạt động vô hình – khi mà bạn vẫn đang làm việc chăm chỉ để xuất bản những tập podcast mới.
Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu hơn về RSS Feeds Podcast, chúc bạn thành công với podcast!
Nguồn tham khảo: The Podcast Host