Podcast là gì?
Podcast hoạt động như thế nào?
Tại sao ngày càng có nhiều người nghe Podcast?
….
Đây là bài viết đầu tiên trên Quán Thanh Âm và nó sẽ giúp bạn hiểu rõ về Podcast – một nền tảng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Nội dung chính
Podcast là gì?
Podcast là một chương trình âm thanh mà bạn có thể nghe thông qua các ứng dụng trên điện thoại, laptop…và bạn cũng có thể đăng ký kênh (subscribe) hoặc tải về bất cứ lúc nào.
Hiểu một cách đơn giản hơn thì nghe Podcast giống như xem video trên Youtube.
Podcast cũng tương tự như chương trình radio có nội dung về một chủ đề cụ thể và được xuất bản theo từng tập, nhưng điều đó không có nghĩa là podcast giống radio hoàn toàn (mình sẽ nói ở phần sau).
Podcast được một cá nhân hay một nhóm người tạo ra và tải lên internet, bạn có thể nghe thông qua các ứng dụng như: iTunes, Spotify, Google Podcast… tất nhiên bạn cũng có thể đánh giá, chia sẻ, đăng ký kênh và tải về, giống như cách bạn hoạt động trên Youtube.
Lịch sử ra đời
Từ Podcast là sự lắp ghép của 2 khái niệm:
- iPod: thiết bị nghe nhạc của hãng Apple (cái này thì quá nổi tiếng rồi)
- Broadcast: phát sóng
Thuật ngữ Podcast được đề xuất lần đầu vào năm 2004 bởi Ben Hammersley, một nhà báo của tờ The Guardian và BBC.
Tuy nhiên loại nội dung này đã từng xuất hiện ở một sự kiện BloggerCon tổ chức vào năm 2003. Tại sự kiện đó, phần mềm RSS-to-iPod đã ra đời và nó cho phép người sở hữu iPod tải các file âm thanh trên internet về máy.
Khi podcast dần phổ biến, Dannie Gregoire đã khai sinh ra thuật ngữ “podcaster” – người sở hữu kênh Podcast, tương tự như việc bạn sở hữu một kênh Youtube thì được gọi là Youtuber, một kênh Tiktok thì bạn là Tiktoker.
Cách thức hoạt động của Podcast
Podcast là một tập tin âm thanh có định dạng MP3 hoặc MP4 được phân phối đến các ứng dụng Apple Podcasts, Spotify, Google Podcasts… thông qua RSS Feeds (Really Simple Syndication – dịch vụ cung cấp thông tin đơn giản).
Điều này chỉ xảy ra kể từ năm 2003 (thời điểm podcast xuất hiện), khi đó RSS đã thay đổi chức năng và cho phép đính kèm file âm thanh trong nguồn cấp và thường xuyên cập nhật các nội dung, gửi thông báo đến người dùng.
Nghe hơi khó hiểu phải không? Hãy xem hình dưới.
Tóm lại, để podcast có thể tiếp cận với người nghe phải trải qua những bước sau:
- Podcaster tạo ra file âm thanh (cá nhân hoặc một nhóm người).
- Podcaster tải file âm thanh lên dịch vụ lưu trữ (podcast hosting).
- Podcast hosting sẽ tạo nguồn cấp dữ liệu (RSS Feeds) cho kênh podcast .
- Các ứng dụng nghe podcast nạp RSS Feed khi được yêu cầu.
- Người dùng truy cập vào các ứng dụng để nghe online, đăng ký kênh podcast hoặc tải file về điện thoại, máy tính…
Nhờ các ứng dụng như Apple Podcasts, Google Podcast, Spotify, … mà podcast dần phổ biến và ngày càng có nhiều người nghe.
Ví dụ như ứng dụng Apple Podcasts trên điện thoại iPhone, khi đăng ký một kênh podcast, bạn sẽ nhận được các thông báo về tập mới nhất và nó sẽ tự động tải về thiết bị của bạn.
Có mấy dạng Podcast?
Hiện nay, có 4 dạng podcast được sử dụng nhiều nhất.
Podcast theo chủ đề
Đây là dạng Podcast phổ biến nhất bởi nội dung chỉ nói về một chủ đề cụ thể, ví dụ như: làm đẹp, tài chính, du lịch…
Trong các tập podcast, chủ kênh sẽ nói về các vấn đề xoay quanh cuộc sống. Podcast dạng này đôi khi cũng có sự tham gia của các khách mời và tất nhiên họ cũng phải có đam mê, hiểu biết trong lĩnh vực mà kênh đang thực hiện.
Podcast theo chủ đề hoàn toàn có khả năng tương tác với người nghe, ví dụ như podcaster muốn người nghe đặt câu hỏi ở tập này và sẽ trả lời trong tập tiếp theo.
Podcast sách nói
Đây là dạng podcast chuyển chữ viết thành giọng đọc. Nội dung thường lấy từ những cuốn sách, tiểu thuyết và được chia thành nhiều tập, trong mỗi tập sẽ chèn thêm hiệu ứng âm thanh để tạo cảm xúc cho người nghe. Tuy nhiên, Podcast dạng này chỉ tập trung vào đọc truyện và ít tương tác với khán giả.

Nếu bạn đã từng nghe chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” của đài VOV, VOH thì sẽ hiểu, đó cũng là một dạng podcast sách nói.
Podcast học Tiếng Anh
Đây là dạng podcast giúp người nghe luyện tiếng Anh, các tập sẽ chia theo mức độ từ dễ đến khó. Đây là một trong những dạng podcast đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Video podcast
Hầu hết chúng ta đều nghĩ podcast là nội dung chỉ có âm thanh, nhưng thực tế còn có cả video podcast, hay còn gọi là vodcast.
Đây là sự kết hợp giữa âm thanh & hình ảnh, mục đích của người tạo ra video podcast là để tiếp cận với các nền tảng khác, ví dụ như Youtube.
Trong mỗi tập video podcast, chủ kênh sẽ thu âm và ghi hình, sau đó xuất file dưới dạng video rồi up lên Youtube hoặc các nền tảng phát video.
Video podcast có thể là cuộc phỏng vấn, thảo luận giữa 2 hay nhiều người về một chủ đề nào đó hoặc đơn giản chỉ là quay chính mình.
Bạn có thấy những video kiểu trên xuất hiện nhiều hơn trên Youtube?
Hoặc kiểu dưới
Hình trên là mình chụp ở một video trên Youtube, về bản chất đó chính là video podcast, kết hợp giữa âm thanh và một hình ảnh tĩnh.
Trên thế giới video podcast cũng rất phổ biến.

Nhiều người chưa thực sự hiểu rõ khái niệm “podcast” bởi nó liên quan đến cả âm thanh và hình ảnh. Tuy nhiên, hầu hết các kênh podcast hiện nay đều là dạng âm thanh vì nó phát triển dựa theo nhu cầu người dùng.
Người dùng internet đang có xu hướng lười đọc và cảm thấy nhàm chán với các nội dung video dày đặc trên mạng. Họ muốn trong lúc lái xe, dọn cỏ, chăm sóc con cái… vừa tiếp nhận thông tin mà vẫn có thể làm việc.
Trong trường hợp này podcast chính là giải pháp !
Ví dụ: khi lái ô tô bạn không thể xem video vì hành động đó rất nguy hiểm, lúc này một nội dung âm thanh sẽ phù hợp hơn vì nó giải quyết vấn đề bạn đang quan tâm mà vẫn có thể lái xe và không lãng phí thời gian.
Nhìn chung, nhắc đến podcast người ta thường nghĩ về âm thanh nhiều hơn, còn tiếp cận podcast dạng nào thì phụ thuộc vào nhu cầu mỗi người.
Nghe Podcast bằng cách nào?
Như đã nói ở trên, bạn có thể nghe Podcast bằng các ứng dụng trên điện thoại hoặc nghe trên website nhưng phổ biến nhất vẫn là 3 nền tảng sau:
Apple Podcasts
Apple là đơn vị tiên phong và khởi nguồn cho sự xuất hiện của Podcast. Sự ra đời của iPod và iTunes đã tạo nên cuộc một cách mạng, thay đổi toàn bộ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến trên thế giới.
Bạn có thể nghe podcast trên các thiết bị của Apple như iPhone, iPad, Mac… thậm chí là cả Apple Watch.
Bạn chỉ cần tải ứng dụng Apple Podcasts và tìm đến kênh muốn nghe, có rất nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau…thậm chí có thể đăng ký kênh, tải về máy.

Spotify
Nếu Youtube là nền tảng dành cho video thì Spotify chính là nền tảng dành cho âm thanh.
Đây là dịch vụ nghe nhạc trực tuyến nổi tiếng trên thế giới và có hẳn một mục riêng dành cho podcast, có rất nhiều kênh với nhiều chủ đề và đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Bạn chỉ cần tải ứng dụng Spotify, đến mục Podcast rồi tìm đến kênh muốn nghe. Bạn cũng có thể tải file, đăng ký kênh và chia sẻ nội dung với người khác.
Google Podcasts
Đây là nền tảng do Google phát triển và nó phù hợp với những người dùng thiết bị Android, tất nhiên IOS vẫn có thể sử dụng.
Trên điện thoại bạn chỉ cần tải ứng dụng Google Podcasts, còn trên trình duyệt web hãy truy cập https://podcasts.google.com/ để nghe và tìm kiếm bất cứ chủ đề nào bạn quan tâm.
Tuy nhiên, tại Việt Nam thì người dùng Google Podcasts chưa nhiều bằng Spotify và Apple Podcasts.
Ngoài 3 ứng dụng trên còn có những nền tảng nghe podcast như: Podcast Addict, Pandora, Amazon Music….
Sự khác biệt giữa Podcast và Radio
Như đã nói ở trên, Podcast cũng tương tự như Radio nhưng nó sở hữu những yếu tố giúp bạn khám phá nhiều nội dung độc đáo hơn. Cụ thể:
- Thời lượng một tập podcast có thể dài tùy ý, từ bản tin 1 phút đến những cuộc hội thoại, phỏng vấn kéo dài hàng giờ. Trong khi đó, radio chỉ có độ dài nhất định vì còn phải dành thời gian cho chương trình tiếp theo.
- Bạn có thể nghe podcast hàng ngày, hàng tuần, ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào bạn muốn. Còn các chương trình radio chỉ phát trong khung giờ nhất định nên rất dễ bị bỏ lỡ.
- Với podcast bạn sẽ được tiếp cận với nhiều chủ đề hơn, từ việc chăm sóc chó mèo cho đến cách quản lý chi tiêu. Nhìn chung, bạn có thể tìm thấy mọi lĩnh vực và các chương trình yêu thích trên podcast
- Podcast có nhiều chủ đề không giờ được phép phát trên radio.
Nhìn chung, thế mạnh của podcast so với radio là khả năng tải xuống và nghe bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu, cũng như tua lại những đoạn thông tin mà bạn muốn nghe.
Phân biệt Podcast và tệp âm thanh
Về mặt kỹ thuật thì podcast và tệp âm thanh là giống nhau. Nếu bạn tải một tập podcast tức là bạn đang tải một file âm thanh… Sự khác biệt giữa nằm ở chỗ podcast có thêm tùy chọn đăng ký (subscribe) và chia sẻ online.
Khi bạn đưa file âm thanh lên dịch vụ lưu trữ (hosting) thì người khác có thể nghe, chia sẻ, đăng ký kênh và tự động tải xuống khi bạn ra tập mới. Điều này dễ dàng hơn nhiều so với các tệp âm thanh thông thường, người dùng sẽ phải tìm kiếm và chủ động tải về.
Thực tế đó vẫn là file âm thanh nhưng khi thêm chức năng đăng ký, chia sẻ online thì sẽ được gọi là Podcast.
Xu hướng Podcast tại Việt Nam
Podcast đã xuất hiện trên thế giới gần 20 năm và ngày càng phát triển mạnh mẽ, theo thống kê của Discover Pods thì:
- Hơn 82% người nghe podcast thường nghe trên 7 giờ mỗi tuần.
- 33% người nghe podcast trên thiết bị thông minh.
- 59% dành thời gian nghe podcast nhiều hơn là truy cập vào mạng xã hội.
Theo thống kê của Statista và HubSpot:
- Hơn 200 triệu người Mỹ đã nghe và biết về podcast.
- Hàng tháng, số lượng người nghe podcast tăng từ 24% lên 26% mỗi năm tại Mỹ.
- Trên thế giới có 27% nam giới và 24% nữ giới nghe Podcast.
- Tính đến năm 2021 có hơn 1 triệu kênh podcast vẫn đang hoạt động bình thường.
- 2 triệu podcaster đã đăng ký dịch vụ Google Podcasts.
- 60% người nghe đã mua các sản phẩm được quảng cáo trên podcast.
- 497 triệu đô la là số tiền mà doanh nghiệp chi ra cho việc quảng cáo podcast (năm 2018).
- Các doanh nghiệp đã tăng 14% lợi nhuận sau khi quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của họ trên podcast.
Đó là những thống kê tiêu biểu cho sự phát triển của podcast trong những năm vừa qua. Tại Việt Nam tuy chưa có con số cụ thể nhưng bạn dễ dàng nhận thấy các trang báo lớn nhất hiện nay đã bắt đầu xuất hiện chuyên mục Podcast.

Bên cạnh đó, các kênh podcast của người Việt ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các ứng dụng nghe podcast như: Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts… với nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau.
Tất cả những điều trên đã chứng minh rằng: Podcast đang dần phổ biến tại Việt Nam và nó sẽ là xu hướng trong tương lai, khi mà người dùng internet đã bắt đầu “bội thực” với những nội dung video, website, mạng xã hội…
Cá nhân mình tin rằng: podcast sẽ còn phát triển hơn nữa và đó là lý do mình tạo ra blog Quán Thanh Âm để hướng dẫn bạn cách xây dựng và phát triển kênh Podcast.
Một số thắc mắc về Podcast
Podcast là gì?
Podcast là một chương trình âm thanh bạn có thể nghe thông qua các ứng dụng trên điện thoại, laptop…và bạn có thể đăng ký kênh (subscribe) hoặc tải về bất cứ lúc nào.
Podcast hoạt động như thế nào?
Podcast là một tập tin âm thanh có định dạng MP3 hoặc MP4 được phân phối đến các ứng dụng iTunes, Spotify…thông qua RSS (Really Simple Syndication- dịch vụ cung cấp thông tin đơn giản).
Có mấy dạng Podcast?
Hiện nay, có 4 dạng podcast phổ biến và được sử dụng nhiều nhất, đó là: Podcast theo chủ đề, Podcast sách nói, Podcast học Tiếng Anh và Video podcast
Nghe Podcast bằng cách nào?
Bạn có thể nghe Podcast bằng các ứng dụng như: Apple Podcast, Spotify hoặc Google Podcast. Ngoài ra còn một số ứng dụng nghe podcast khác nhưng không phổ biến bằng 3 loại trên.
Podcast có gì khác với file âm thanh thông thường?
Về mặt kỹ thuật thì podcast và file âm thanh là giống nhau. Nếu bạn tải một tập podcast tức là bạn đang tải một file âm thanh về máy… Sự khác biệt giữa nằm ở chỗ podcast có thêm tùy chọn đăng ký (subscribe) và chia sẻ online.
Lời kết
Thông qua bài viết này có lẽ bạn đã hiểu được Podcast là gì rồi đúng không?
Có thể nói, Podcast là loại nội dung đang được nhiều người ưa chuộng, không chỉ cá nhân mà những tổ chức uy tín cũng tham gia vào nền tảng này.
Vì vậy, nếu sở hữu kênh podcast ngay tại thời điểm này bạn sẽ có thêm một kênh chia sẻ thông tin và mọi người sẽ biết đến bạn nhiều hơn, thậm chí là bạn có thể kiếm tiền từ việc làm podcast.
Nếu không muốn đứng ngoài “cuộc chơi” thì hãy hành động ngay nhé !
Bạn nghĩ sao về Podcast? Hãy cho mình biết bằng cách để lại bình luận phía dưới!
[…] Nếu bạn chưa hiểu rõ về podcast, hãy đọc >>> Podcast là gì? […]
[…] một cách đơn giản nhất thì video podcast là podcast được truyền tải dưới dạng video (viết tắt: […]