Nếu bạn đang tìm kiếm hướng dẫn về cách làm podcast hay cách tạo kênh podcast thì xin chúc mừng, bạn đến đúng nơi rồi đó!
Làm podcast không khó nhưng bạn sẽ phải trải qua một số bước để đưa show của mình đến với người nghe.
Nội dung bài viết tuy dài nhưng đây sẽ là cuốn cẩm nang giúp bạn xây dựng kênh podcast, từ việc chọn chủ đề, lập kế hoạch, xuất bản nội dung… và nhiều hơn thế nữa.
Nếu bạn chưa hiểu rõ về podcast, hãy đọc >>> Podcast là gì?
Nội dung chính
Chọn chủ đề kênh podcast
Để chọn chủ đề cho kênh podcast bạn cần trả lời 3 câu hỏi sau:
- Lý do bạn làm podcast là gì?
- Ai sẽ là người nghe podcast của bạn?
- Lý do gì để người khác nghe podcast của bạn?
Lý do bạn làm podcast là gì?
Bạn là nhân viên văn phòng, một người bán hàng online hay đơn giản chỉ là một bà nội trợ?
Dựa vào công việc hiện tại bạn có thể xác định được lý do làm podcast.
Sở hữu một kênh podcast là cách tuyệt vời để kinh doanh, tiếp cận khách hàng, cung cấp cho người nghe những nội dung có giá trị hoặc mang tính chất giải trí.
Còn nếu làm podcast chỉ vì sở thích thì sao?
Cũng chẳng sao cả, bạn hoàn toàn có thể làm trong lúc rảnh rỗi và chủ đề là những thứ bạn thích, bạn đam mê.
Xác định được lý do làm podcast sẽ giúp bạn duy trì động lực làm việc mỗi ngày, ngay cả khi cảm thấy bí ý tưởng nhất.
Nhìn chung, hãy dựa vào công việc, sở thích, sở trường của bạn để chọn chủ đề cho kênh.
Ai sẽ là người nghe podcast của bạn?
Khi đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng kênh podcast bạn cần xác định người nghe là ai? Bạn muốn ai sẽ là người nghe podcast của mình?
Trong marketing có khái niệm “khách hàng mục tiêu” thì với podcast cũng vậy. Xác định được người nghe sẽ giúp bạn chọn được chủ đề kênh và cung cấp nội dung một cách chuẩn xác, chuyên sâu hơn.
Ví như như bạn là một bác sĩ thú y thì người nghe sẽ là những người yêu động vật, quan tâm đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng chó, mèo…
Còn nếu làm podcast vì sở thích thì sẽ là người có chung đam mê, sở thích với bạn. Ví dụ: bạn thích sưu tầm tem và có nhiều kiến thức trong lĩnh vực này thì những người đang sở hữu và tìm hiểu về tem sẽ nghe podcast của bạn.
Trong trường hợp bạn là người nổi tiếng và đã có lượng người theo dõi từ trước thì sở hữu một kênh podcast là cơ hội để mở rộng thương hiệu, thu hút fans.
Nhưng đó chỉ là số ít, hầu hết các podcaster đều bắt đầu từ con số 0, vì trong giai đoạn đầu sẽ không có nhiều người biết đến podcast của bạn.
Vì vậy hãy chọn những chủ đề có lượng người quan tâm đủ lớn rồi tập trung làm nội dung có giá trị, phát hành podcast thường xuyên và quảng bá trên các kênh truyền thông như: mạng xã hội, blog cá nhân, youtube… dần dần mọi người sẽ biết đến podcast của bạn.
Lý do gì để mọi người nghe podcast của bạn?
Cho dù là bác sĩ thú y hay là người thích sưu tập tem thì bạn đang cung cấp giá trị cho người khác.
Bạn không chỉ cho họ một lý do để nghe mà phải làm sao họ để quay lại podcast của bạn. Điều này phụ thuộc vào chủ đề, nội dung và các kế hoạch phát triển kênh.
Ví dụ như bạn có thể tạo ra một serie gồm 7 tập về việc cắt tỉa lông chó sao cho đẹp và an toàn. Như vậy sẽ khiến cho người nghe thích thú và quay lại kênh thường xuyên hơn.
Tốt nhất, hãy viết một đoạn mô tả ngắn về kênh, điều này sẽ gây chú ý và thu hút những người quan tâm đến chủ đề mà kênh đang thực hiện.
Lập kế hoạch cho kênh Podcast
Chọn format cho kênh podcast
Điều này phụ thuộc vào nội dung và số lượng người tham gia podcast. Có 3 loại phổ biến nhất, đó là:
Podcast solo
Đây là kiểu podcast bạn tự nói, tự thu âm hay còn gọi là độc thoại. Lợi ích của podcast solo đó là không cần phụ thuộc vào người khác, bạn là chủ kênh, tự xây dựng thương hiệu và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
Với người mới bắt đầu sẽ cảm thấy hơi khó khăn một chút vì chỉ có một mình và sợ không có ai nghe podcast.
Đừng quá lo lắng về vấn đề này, hầu hết các kênh podcast trên thế giới đều thuộc dạng podcast solo, chỉ cần bạn chăm chỉ làm việc sẽ quen ngay thôi.
Podcast đồng tổ chức
Kiểu podcast này có sự tham gia của 2 người trở lên và tất cả sẽ cùng nhau trình bày hoặc thảo luận về chủ đề nào đó.
Ưu điểm của podcast đồng tổ chức là giúp bạn vượt qua sự e ngại và nỗi “sợ mic”. Bên cạnh đó, nhiều người tham gia thì câu chuyện sẽ trở nên đa dạng và phong phú hơn so với việc nói một mình.
Điểm hạn chế của format này là các thành viên phải phụ thuộc vào nhau về thời gian, lịch trình. Bên cạnh đó là vấn đề sở hữu kênh, chia sẻ doanh thu hoặc trong tương lai có ai đó rời team thì sao?
Podcast phỏng vấn
Đây là dạng podcast rất thu hút người nghe, bạn sẽ mời ai đó chia sẻ về một chủ đề và bạn đóng vai trò là người phỏng vấn.
Khách mời sẽ là người có chuyên môn trong lĩnh vực cụ thể. Đây là kiểu podcast mượn kiến thức của người khác để truyền tải tới thính giả.
Người nghe podcast phỏng vấn phần lớn là những người đã theo dõi vị khách mời từ trước, cho nên họ sẽ rất thích thú với chương trình của bạn và có thể dẫn đến hành động đăng ký kênh. Vì vậy, đây là một cách phát triển kênh rất tốt.
Với podcast kiểu này bạn cần trau dồi kỹ năng phỏng vấn, lên kế hoạch về nội dung, tình huống, câu hỏi…. Ngoài ra, việc lên danh sách, tìm kiếm khách mời tham gia podcast cũng không hề dễ.
Nếu bạn là người nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng lớn sẽ thuận lợi hơn, còn nếu là người vô danh thì podcast phỏng vấn không phải lựa chọn thích hợp.
Nhìn chung, không nhất thiết phải chọn một format cố định, thời gian đầu có thể là solo, sau này lượng công việc nhiều lên thì có thể rủ người khác làm cùng.
Đến khi kênh được nhiều người biết đến, đã xây dựng được thương hiệu cá nhân thì bạn hoàn toàn có thể làm podcast phỏng vấn.
Đặt tên kênh podcast
Bạn muốn một cái tên hay, dễ nhớ mà nghe lại “kêu kêu” đúng không?
Đặt tên kênh podcast là bước quan trọng nhưng bạn không nên dành quá nhiều thời gian cho việc này, thực tế nó chỉ là một cái tên, quan trọng nhất vẫn là nội dung của bạn thế nào, có mang lại nhiều giá trị cho người nghe hay không?
Để không phải nửa đêm thức giấc nghĩ tên kênh, mình sẽ chỉ cho bạn 3 cách.
Đặt tên theo chủ đề
Đây là cách được nhiều người áp dụng nhất. Đặt tên theo chủ đề sẽ khiến người nghe biết được nội dung chính của kênh podcast là gì và nó rất có lợi cho việc tìm kiếm.
Ví dụ như bạn làm về chủ đề bóng đá thì đặt tên là: tin bóng đá, bóng đá 24h, bóng đá mỗi ngày… như vậy người khác chỉ cần nhìn tên là biết nội dung của kênh.
Ngoài ra, những người quan tâm đến chủ đề này, họ sẽ chủ động tìm kiếm từ khóa “bóng đá”, khi đó kênh của bạn sẽ có cơ hội xuất hiện nhiều hơn so với những kênh đặt tên theo kiểu: thể thao mỗi ngày, sân cỏ 24h…
Đặt tên kiểu phong cách, sáng tạo
Đặt tên theo kiểu này thường là những từ ngữ, thuật ngữ của chủ đề mà bạn đang làm. Ví dụ như nội dung về Phật giáo thì có thể đặt là: Pháp âm, Tịnh tâm…
Tên kiểu phong cách, sáng tạo thường gây sự chú ý nhưng hơi trừu tượng và không có lợi cho việc tìm kiếm.
Nếu bạn là người nổi tiếng hoặc có lượng người theo dõi từ trước thì sẽ rất hay, còn với người bình thường thì cần quảng bá và làm nội dung tốt hơn.
Sử dụng tên của bạn
Đây cũng là cách được nhiều người áp dụng. Theo nghĩa đen, đặt tên kiểu này không hề liên quan đến chủ đề mà kênh đang thực hiện, đây đơn giản chỉ là tên cá nhân.
Những người sử dụng tên thật để đặt tên cho kênh podcast thường là người nổi tiếng hoặc đã có sẵn lượng người theo dõi trên các nền tảng khác như: facebook, youtube, blog cá nhân…
Ví dụ: bạn thường xuyên đọc blog ngocdenroi.com (một blog hướng dẫn viết blog chuyên nghiệp và kiếm tiền online) thì chỉ cần nhắc đến Ngọc Đến Rồi’s Podcast bạn sẽ biết chủ đề kênh là gì.

Còn nếu không biết anh Ngọc là ai, khi nhắc đến podcast trên bạn không thể biết nội dung là gì.
Nhìn chung, bạn có thể sử dụng tên thật cho kênh podcast nhưng sẽ mất một khoảng thời gian để xây dựng thương hiệu cá nhân, để đến khi nhắc tới người nghe sẽ biết chủ đề kênh đang làm.
Đặt tiêu đề cho tập podcast
Giống như đặt tên kênh, tiêu đề cho từng tập podcast cũng rất quan trọng, điều này ảnh hưởng đến sự xuất hiện của podcast trên các công cụ tìm kiếm.
Không nên đặt tiêu đề theo kiểu: tập 1, tập 2, tập 3… vì người nghe sẽ không biết bạn nói về vấn đề gì kể cả khi họ biết chủ đề kênh đang thực hiện.
Hãy viết tiêu đề một cách rõ ràng để người khác hiểu được bạn muốn nói về vấn về gì, chỉ cần đảm bảo nội dung đúng với tiêu đề.
Nếu muốn thêm số thứ tự, hãy đặt như sau:
- Tiêu đề | Tập 1
- Tiêu đề | #1
- Tiêu đề | 01
Không nên đặt số tập, số series podcast vào phía trước tiêu đề bạn nhé !
Một tập podcast nên có độ dài bao lâu?
Thực tế thì không có quy ước chuẩn nào về độ dài của một tập podcast nhưng theo mình dưới 15 phút được coi là ngắn và trên 1 tiếng là dài.
Nhiều người cho rằng thời gian lý tưởng của một tập podcast là 10-20 phút nhưng chúng ta không nên quá bận tâm vào những con số trên vì độ dài được quyết định bởi 2 yếu tố nội dung và người nghe.
Bạn cần đến 1 tiếng mới có thể chia sẻ hết những kiến thức có giá trị thì tại sao phải cắt giảm xuống 20 phút?
Ngược lại, bạn chỉ cần 10 phút để diễn đạt mọi thứ thì tại sao phải kéo dài lên đến 1 tiếng?
Nhìn chung, hãy dựa vào khối lượng nội dung bạn muốn truyền tải để xác định độ dài của podcast.
Ngoài yếu tố nội dung thì người nghe cũng đóng vai trò quan trọng. Có nhiều podcast chỉ dài 2-3 phút bởi chúng phù hợp với một nhóm đối tượng nhất định.
Trong khi đó, có những podcast kéo dài đến 3-4 tiếng đồng hồ mà vẫn có người nghe từ đầu đến cuối vì nó phục vụ một nhóm đối tượng khác.
Tất nhiên bạn không cần phải cố định một tập nên dài 10, 30 hay 50 phút nhưng hãy cố gắng thiết lập một độ dài trung bình cho các tập podcast trên kênh của bạn.
Khán giả sẽ cho bạn biết podcast là quá dài hay quá ngắn. Hãy khảo sát ý kiến của người nghe để đưa ra những điều chỉnh phù hợp bạn nhé!
Tần suất phát hành podcast
Tần suất phát hành podcast phụ thuộc vào công việc và thời gian của bạn. Bạn có thể xuất bản 2-3 tập/tuần hoặc 1 tập/tuần cũng không sao, điều quan trọng là phải có kế hoạch cụ thể.
Ví dụ: mỗi tuần bạn sẽ xuất bản 2 tập vào thứ 3 và thứ 7 thì đến ngày đó hãy tạm gác những công việc khác để thu âm và làm podcast.
Việc lên kế hoạch và hoàn thành mục tiêu là thói quen tốt, giúp bạn cân bằng được các yếu tố trong cuộc sống.
Đừng để nước đến chân mới nhảy hoặc đừng cố xuất bản quá nhiều trong thời gian ngắn, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nội dung. Một tập podcast có nội dung đầy đủ và chuyên sâu sẽ tốt hơn so với 10 tập nhưng mang lại ít giá trị cho người nghe.
Có một thuật ngữ trong podcast được gọi là “podcast theo mùa”, tức là sản xuất một series gồm nhiều tập nói về một chủ đề nào đó.
Khi serie này kết thúc bạn có thể nghỉ ngơi một thời gian, sau đó lại tiếp tục sản xuất và phát hành serie khác và cứ thế lặp lại quy trình trên.
Ví dụ như kênh podcast của bạn làm về lĩnh vực chăm sóc da thì trong tháng đầu tiên bạn sẽ xuất bản 10 tập về cách chăm sóc da mặt (mùa thứ nhất), sau đó nghỉ ngơi 1-2 tuần, đến mùa thứ 2 lại chuyển sang các phương pháp chăm sóc da toàn thân gồm 5 tập khác nhau.
Với những lĩnh vực chuyên sâu, cần nhiều thời gian tìm hiểu thì bạn có thể biến mỗi mùa thành một bài giảng, một khóa học, hay thậm chí là một cuốn ebook.
Thu âm và chỉnh sửa podcast
Sau khi lập kế hoạch và xác định được những công việc cần làm, đã đến lúc phải ghi âm tập podcast đầu tiên. Để làm được điều này cần chuẩn bị những thứ sau:
Thiết bị ghi âm
Thực tế thì bạn chỉ cần một chiếc máy tính có micro là đã ghi âm được rồi, nhưng nếu muốn kênh podcast chuyên nghiệp hơn hãy sắm cho mình một chiếc mic ngoài.
Hãy nhớ rằng, thiết bị càng sơ sài thì chất lượng âm thanh càng hạn chế. Một chiếc micro chuyên nghiệp sẽ giúp bạn loại bỏ được tiếng ồn, âm thanh ra chuẩn hơn và không mất nhiều thời gian chỉnh sửa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để mua những chiếc micro đắt tiền. Hãy bắt đầu từ những thiết bị sẵn có hoặc mua những chiếc micro có mức giá hợp lý, sau đó chỉnh sửa bằng phần mềm.
Cá nhân mình thời gian đầu làm podcast cũng chỉ sử dụng một chiếc headphone bình thường, tuy chất âm không thuộc dạng xuất sắc nhưng vẫn ở mức chấp nhận được.

Đến sau này, khi tần suất công việc nhiều hơn và nhận thấy xu hướng phát triển của podcast mình mới thay thế bằng chiếc micro RODE NT-USB mini và rất hài lòng với chất lượng của nó.

Ngoài micro RODE NT-USB mini, còn rất nhiều loại micro thu âm khác, mình xin đề xuất với bạn 2 mẫu dưới đây:
Dynamic Samson Q2U
Chiếc micro này sử dụng 2 chuẩn kết nối thu âm USB và XLR nên rất linh hoạt trong quá trình sử dụng. Bạn có thể cắm trực tiếp vào máy tính, laptop hoặc các soundcard thu âm chuyên dụng.
Samson Q2U thuộc dòng mic định hướng, nên sẽ loại bỏ tiếng ồn, tạp âm từ bên ngoài. Âm thanh thu được rất rõ ràng. Sản phẩm có giá khoảng 2,5 triệu.
Mua micro Dynamic Samson Q2U trên Tiki
ATR2100
Thiết kế tương tự như Samson Q2U với chuẩn kết nối USB và XLR. Tuy nhiên, ATR2100 có kích thước nhỏ gọn hơn một chút và giá cũng rẻ hơn, khoảng 2 triệu.
Mua micro Dynamic Audio Technica ATR2100 trên Tiki
Phần mềm
Hầu hết các loại micro đều kết nối với cổng USB trên máy tính, cho nên bạn sẽ phải sử dụng một phần mềm để ghi âm chỉnh sửa âm thanh.
Audacity
Audacity luôn là lựa chọn hàng đầu cho podcaster, một phần mềm chỉnh sửa âm thanh hoàn toàn miễn phí, dễ sử dụng và đáp ứng mọi nhu cầu làm podcast của bạn.
Audacity có giao diện trực quan và hỗ trợ tiếng Việt. Bạn chỉ cần nửa ngày tìm hiểu là có thể làm chủ phần mềm này, từ cắt ghép, loại bỏ tạp âm, tăng giảm âm lượng và nhiều hơn thế nữa.
Audacity hỗ trợ xuất file với nhiều định dạng khác nhau, như: WAV, MP3, M4A…. Có thể nói đây là phần mềm thích hợp nhất cho những người mới làm podcast.
Adobe Audition
Adobe Audition (AU) là phần mềm ghi âm, chỉnh sửa âm thanh chuyên nghiệp và nó cũng được rất nhiều người sử dụng.
Ngoài những chức năng cơ bản như cắt ghép, lọc âm, tăng giảm volume… thì AU còn mang đến nhiều tính năng chuyên nghiệp và có thể xử lý bất kỳ file âm thanh nào bạn muốn.
So với Audacity thì AU có giao diện và cách dùng phức tạp hơn nhưng bù lại nó sở hữu những tính năng cao cấp hơn.
AU hỗ trợ xuất file với nhiều định dạng hơn so với Audacity, như: MP3, WAV, AC-3, AIF, AAC, HE-AAC, CAF, FLAC, PCM, OGG…
Tóm lại, đây là phần mềm chỉnh sửa âm thanh chuyên nghiệp nên bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để học cách sử dụng nó. Bạn có thể tải Adobe Audition TẠI ĐÂY
Còn rất nhiều phần mềm thu âm và chỉnh sửa âm thanh khác như: Audio Editor Pro, MP3 Music Editor, FL Studio… nhưng phổ biến nhất và dễ sử dụng nhất vẫn là Audacity và Adobe Audition.
Chuẩn bị nội dung
Mọi thứ sẵn sàng, giờ là lúc bạn cần chuẩn bị nội dung cho podcast đầu tiên.
Sau khi đã chọn được chủ đề hãy ghi tất cả ra giấy và xem điều gì nói trước, điều gì nói sau, việc này sẽ giúp bạn tập trung vào những ý chính và không bị lan man.
Hơn nữa, chuẩn bị sẵn nội dung còn giúp bạn tiết kiệm thời gian chỉnh sửa file âm thanh về sau.
Tập nói chuyện với mic
Đừng coi thường bước này nhé vì hầu hết những người mới làm podcast đều cảm thấy khó khăn ở lần thu âm đầu tiên.
Bạn sẽ có cảm giác như đang nói chuyện một mình hoặc nói chuyện với cái micro – một vật vô tri vô giác và điều đó khiến bạn cảm thấy thật ngớ ngẩn.
Đừng lo lắng, ai cũng có lần đầu làm “chuyện ấy”, hãy cứ bình tĩnh và nói một cách thật tự nhiên.
Điểm thu hút của podcast đó là tạo cảm giác gần gũi giữa podcaster và người nghe, vì vậy đừng để người khác có cảm giác như bạn đang đọc, họ sẽ rời đi ngay.
Trong quá trình nói bạn hoàn toàn có thể ừ…,à… hoặc thêm những từ cảm thán, không nhất thiết phải chau chuốt trong từng từ ngữ, hãy thả lỏng cơ thể và nói một cách tự nhiên bạn nhé.
Ngoài ra, cố gắng đừng để lọt những tạp âm như tiếng chó mèo, tiếng con khóc, tiếng vợ gọi… Hãy chọn một không gian thật yên tĩnh để thu âm, nơi mà chỉ có bạn và chiếc micro.
Tốt nhất hãy dành một ngày để tập nói chuyện với micro trước khi thu âm chính thức, lúc đó bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn.
Chỉnh sửa podcast
Như vậy là bạn đã thu được tập podcast đầu tiên rồi đúng không?
Bây giờ hãy chỉnh sửa, cắt ghép các file âm với nhau bằng Audacity hoặc AU. Mình sẽ không nói về cách sử dụng 2 phần mềm này, có rất nhiều video hướng dẫn trên mạng, bạn chỉ cần bỏ ra 1-2 tiếng để học là sẽ biết những thao tác cơ bản.
Chú ý xuất file âm thanh định dạng .mp3 để đảm bảo khả năng tương thích với các ứng dụng podcast.
Chọn nhạc cho podcast
Thực tế thì podcast không bắt buộc phải có nhạc nhưng một đoạn mở đầu (intro), kết thúc (outro) hoặc nhạc nền sẽ khiến cho podcast của bạn chuyên nghiệp hơn.
Nhiều người thường sử dụng những đoạn nhạc nổi tiếng để chèn vào podcast, điều này là không nên, đến một lúc nào đó bạn sẽ bị bắt bản quyền và phải gỡ bỏ tập đó xuống.
Bạn có thể dùng nhạc miễn phí ở Bensound, Youtube Music….nhưng chúng quá phổ biến nên sẽ làm mất đi tính độc đáo của podcast và đây cũng không hẳn là cách an toàn nhất.
Có nhiều bản nhạc miễn phí nhưng khi sử dụng cho mục đích thương mại vẫn cần phải có giấy phép và lúc đó bạn lại gặp rắc rối.
Vì vậy, cách tốt nhất là mua nhạc, có nhiều trang cung cấp nhạc bản quyền, nếu muốn dùng phải trả tiền hàng tháng. Mình thường mua nhạc ở 3 trang sau:
- Artlist – từ $12/tháng
- Epidemicsound – từ $13/tháng
- Shutterstock – từ $19/tháng
Những trang này có kho nhạc khổng lồ, hàng triệu bản nhạc với nhiều phong cách, độ dài khác nhau, bạn thoải mái sử dụng mà không lo bản quyền.
Thiết kế ảnh đại diện
Trong podcast, ảnh đại diện kênh được gọi là Cover Art Channel.
Cũng giống như tiêu đề, ảnh đại diện là thứ đầu tiên người khác nhìn thấy trước khi nghe podcast của bạn. Một tấm ảnh đại diện đẹp, độc đáo và đúng chủ đề sẽ gây được sự chú ý.
Bạn có thể tự chụp rồi chỉnh sửa bằng photoshop hoặc sử dụng ảnh ở một số trang như freepik, pixabay…nhưng hãy chú ý tới bản quyền.
Trong trường hợp không thể tự thiết kế ảnh, hãy dùng các công cụ thiết kế ảnh online như Canva hoặc DesignBold.
Chú ý rằng: ảnh đại điện kênh podcast phải có kích thước tối thiểu là 1400 x 1400 pixel, tối đa là 3000 x 3000 pixel, định dạng .jpg hoặc .png. Đây là những thông số bắt buộc bạn phải tuân thủ để tránh những rắc rối về sau.
Tạo kênh podcast
Để tạo kênh podcast bạn cần sử dụng dịch vụ Podcast Hosting để lưu trữ các tệp âm thanh.
Hãy hình dung thế này: Podcast hosting là mảnh đất, kênh podcast là ngôi nhà.
Có rất nhiều dịch vụ podcast hosting như: BuzzSprout, Castos, Spotify for Podcaster, Spreaker, Podbean… nhưng phổ biến nhất vẫn là BuzzSprout và Spotify for Podcaster.
Hầu hết các podcaster đều sử dụng 1 trong 2 dịch vụ này để lưu trữ podcast bởi chúng rất dễ sử dụng và nhiều tính năng hay ho (đặc biệt là BuzzSprout).
Vì vậy mình sẽ hướng dẫn bạn cách đăng ký và tạo kênh podcast trên BuzzSprout nhé!
Đăng ký podcast hosting
BuzzSprout cho phép dùng thử miễn phí 3 tháng, mỗi tháng đăng tối đa 2 giờ âm thanh, hết thời gian này phải nâng cấp nên gói trả phí để tiếp tục duy trì kênh.
Trước tiên hãy bấm vào nút phía dưới để đăng ký dùng thử 3 tháng dịch vụ podcast hosting của BuzzSprout.
Đăng ký tài khoản BuzzSprout + nhận $20
Khi đăng ký bạn sẽ được tặng phiếu mua hàng trên Amazon (gift card), trị giá $20. Mã phiếu sẽ gửi về email khi thanh toán dịch vụ BuzzSprout tháng thứ 2.
Bấm “Check out BuzzSporut” để đến trang đăng ký tài khoản
Tiếp theo bấm “Get Stared Free”
Điền đầy đủ thông tin First Name, Email. Chú ý tích vào mục “Tôi không phải là người máy”, sau đó nhấn “Create My Podcast”
Tạo mật khẩu cho tài khoản BuzzSprout của bạn. Để tăng tính bảo mật, mật khẩu nên có từ 8 ký tự trở lên, cả số, chữ và ký tự đặc biệt. Nhấn “Create Password”
Ở trang tiếp theo, nếu đây là lần đầu tạo kênh podcast thì hãy chọn “I’m a new Podcaster” . Trong trường hợp bạn đã có kênh podcast và đang lưu trữ ở hosting khác, bây giờ muốn chuyển sang Buzzsprout thì chọn “I Already Have A Podcast”.
Mình chọn “I’m a new Podcaster” để tạo kênh mới
Trang kế tiếp sẽ có 2 mục:
- Podcast Title: đây chính là tên kênh podcast của bạn.
- Podcast Description: viết một đoạn giới thiệu, mô tả ngắn về kênh.
Nhập xong bấm “Done. Let’s start podcasting.” để hoàn tất quá trình đăng ký.
Cuối cùng hãy kiểm tra email để xác minh tài khoản. Bấm “Verify your email address”
Ngay lập tức bạn sẽ được chuyển về BuzzSprout, thông báo như dưới tức là đã xác minh thành công.
Như vậy là quá trình đăng ký tài khoản đã hoàn tất. Ngay bây giờ bạn đã có thể đăng tập podcast đầu tiên lên kênh. Chú ý rằng đây vẫn trong thời gian 3 tháng dùng thử, mỗi tháng được phép tải lên tối đa 2 giờ âm thanh.
Cài đặt podcast
Sau khi đăng ký tài khoản bạn cần cài đặt thông tin cho kênh, đây là bước rất quan trọng vì những thông tin này sẽ được đồng bộ khi kênh xuất hiện trên các ứng dụng nghe podcast như: Spotify, Apple Podcasts, Google Podcasts…
Trước tiên, chọn tab “Podcast info”
Sau đó hãy nhập đầy đủ các thông tin ở phía dưới như sau:
- Podcast Title: tên kênh podcast của bạn.
- Podcast Description: nhập một đoạn mô tả ngắn về kênh.
- Podcast artwork: tải lên ảnh đại diện của kênh. Chú ý kích thước tối thiểu 1400 x 1400 pixels, tối đa là 3000 x 3000 pixels, định dạng .jpg hoặc .png
- Apple Podcast Category: chọn 3 danh mục liên quan đến nội dung kênh.
- Language: chọn Vietnamese
- Time Zone: chọn (GMT +07:00) Hanoi
- Artist: nhập tên chủ kênh
- Contact Email: nhập email liên hệ (nên dùng email đăng ký tài khoản Buzzsprout)
- Explicit Content: bỏ trống ô “This podcast contains explicit material” để xác nhận rằng podcast không chứa nội dung độc hại, khiêu dâm…
Vẫn trong tab Podcast Info, tiếp tục chọn mục “Advanced” và điền như sau:
- Podcast Type: chọn Episodic hoặc serial đều được.
- Your Website Address: nhập địa chỉ website/blog của bạn (nếu có)
- Episode Limit: số lượng tập bạn muốn hiển thị ở trang chủ.
- Keywords: nhập một số từ khóa liên quan đến chủ đề mà kênh đang làm.
- Is this podcast about a specific location?: chọn No
- Copyright: nhập tên kênh.
- Lock Feed from Transfer: tích chọn “Do not allow other podcast hosts to import my podcast.”
Sau khi nhập đầy đủ thông tin, hãy nhìn sang bên phải màn hình, bấm “Save Podcast Info” để lưu lại.
Vậy là xong phần cài đặt, bây giờ mình sẽ hướng dẫn bạn upload tập podcast đầu tiên lên kênh nhé!
Xuất bản podcast
Chọn tab “Episodes”, nhấn vào ô “Upload a new Episode” ở phía dưới
Tiếp tục chọn “Choose a file to upload” để tải file âm thanh của bạn lên.
Trang tiếp theo hãy điền đầy đủ các thông tin:
- Episode Title: nhập tiêu đề tập podcast.
- Episode Description: viết một đoạn mô tả ngắn về nội dung tập podcast.
- Episode Artwork: ảnh đại diện (bạn có thể chọn ảnh của kênh hoặc tải lên ảnh riêng cho tập podcast đó)
- Season #: nhập số thứ tự nếu sản xuất theo series.
- Episode #: nhập số thứ tự của tập.
- Episode Type: chọn Full nếu nội dung đầy đủ, chọn Trailer hoặc Bonus nếu là nội dung ngắn hoặc mở màn.
- Explicit Content: bỏ tick ô “This episode contains explicit material.”
- Artist / Guest: nhập tên tác giả, người đồng tổ chức hoặc khách mời phỏng vấn.
- Summary: nhập một đoạn ngắn nói về tập podcast.
- Custom Episode Webpage: nhập địa chỉ bài viết trên website/blog của bạn có nội dung tương tự podcast (nếu có)
- Tags: nhập từ khóa liên quan đến nội dung podcast
Nhập xong hãy nhìn sang bên phải màn hình, có 3 tùy chọn sau:
- Leave Unpublished: lưu nhưng không xuất bản
- Publish Immediately: xuất bản ngay
- Schedule for future: hẹn giờ xuất bản
Mình sẽ chọn Leave Unpublished rồi nhấn “Save Episode Details” để kiểm tra lại một lần nữa trước khi xuất bản.
Lúc này bạn sẽ thấy thời gian giảm xuống tương ứng với thời lượng tập podcast vừa tải lên. Bấm “THIS EPISODE IS NOT LIVE” để kiểm tra các thông tin vừa nhập xem đã chính xác chưa.
Ở trang tiếp theo, nếu muốn chỉnh sửa thì bấm “Edit”, muốn xuất bản thì bấm “Publish”
Ngay sau khi bấm Publish sẽ có thông báo “Episode is Live”, vậy là podcast đã xuất bản thành công. Bạn cũng có thể chia sẻ podcast lên Facebook, Twitter, LinkedIn bằng các nút phía dưới.
Đó là cách upload và xuất bản podcast đầu tiên, những tập tiếp theo cách làm tương tự.
Bạn sẽ được dùng thử dịch vụ Buzzsprout trong 3 tháng, mỗi tháng đăng tối đa 2 giờ âm thanh, nếu vượt qua con số này hoặc hết thời gian dùng thử thì phải trả phí để tiếp tục duy trì kênh và đăng các tập tiếp theo.
Để thanh toán dịch vụ Buzzsprout hãy chọn tab “Podcast setting”, chọn mục “Plan”. Sẽ có các tùy chọn từ 12- $24/tháng, nếu mới làm podcast bạn chỉ cần đăng ký gói $12/tháng (3 giờ/tháng) là đủ.
Bấm nút “Upgrade” để đến trang thanh toán.
Điền đầy đủ thông tin thẻ visa/mastercard để thanh toán dịch vụ
Thanh toán xong bạn sẽ thấy thời gian tăng lên thành 3 giờ/tháng.
Chỉnh sửa trình phát podcast
BuzzSprout sẽ cung cấp cho bạn một trình phát để chèn podcast vào website/blog và bạn thể chỉnh sửa giao diện theo ý muốn.
Chọn tab “Players”, sau đó bấm chọn “Customize Your Players” ở phía dưới
Bây giờ bạn có thể thoải mái chỉnh màu sắc, giao diện, hiển thị nút chia sẻ…cho trình phát podcast. Xong xuôi, hãy bấm “Save Player” để lưu lại.
Chèn podcast vào website/blog
Việc chèn podcast vào website/blog sẽ giúp cho người đọc có thêm nhiều cách tiếp cận nội dung, thay vì ngồi đọc, họ có thể vừa nghe vừa làm việc khác.
Ngoài ra, một trình phát âm thanh sẽ giúp cho bài viết của bạn nhìn chuyên nghiệp hơn.
Vì nội dung đã khá dài nên mình có viết một bài hướng dẫn rất chi tiết về cách chèn podcast vào blog, bạn có thể đọc và làm theo.
ĐỌC NGAY: Cách chèn podcast vào blog
Gửi kênh podcast lên Apple Podcast, Spotify và Google Podcast
Như vậy là bạn đã tạo thành công kênh podcast bằng Buzzsprout, nhưng để nhiều người biết đến bạn cần gửi kênh lên các ứng dụng nghe podcast như: Apple Podcasts, Spotify và Google Podcasts.
Đây là 3 ứng dụng podcast có lượng người nghe lớn nhất thế giới, ở đó mọi người có thể nghe, theo dõi, đăng ký kênh của bạn.
Việc gửi kênh lên Apple Podcasts, Spotify và Google Podcasts mất nhiều thời gian và thao tác nên mình đã viết một số bài hướng dẫn chi tiết ở phía dưới, bạn hãy đọc và làm theo.
- Cách đăng Podcast lên Apple Podcasts
- Cách tạo Podcast trên Spotify
- Cách tạo Podcast trên Google Podcasts
Ngoài ra, cũng đừng quên thêm podcast vào Facebook để nhiều người biết đến chương trình của bạn hơn.
Lời kết
Đó là toàn bộ hướng dẫn về cách tạo kênh podcast. Nội dung bài viết không đơn thuần là những hướng dẫn về mặt kỹ thuật mà nó còn giúp bạn hình thành tư duy, lập kế hoạch và xây dựng một kênh podcast hoàn hảo.
Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người nghe và làm podcast, điều đó chứng minh rằng nền tảng này đang rất phát triển. Vì vậy, đừng bỏ lỡ cơ hội sở hữu cho riêng mình một kênh podcast bạn nhé !
Trong quá trình thực hiện, nếu có thắc mắc gì hãy để lại bình luận phía dưới bài viết này, mình sẵn sàng giải đáp.
Cuối cùng, cảm ơn bạn đã theo dõi, chúc bạn thành công !
Cám ơn “quán Thanh âm” đã chia sẻ những kiến thức bổ ích. Mình có một vài câu hỏi rất mong bạn chia sẻ thêm:
Rất mong nhận được mail sớm của bạn
Trân trọng
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog. Mình xin trả lời bạn như sau:
1. Bắt buộc phải sử dụng 1 podcast hosting để tạo và lưu trữ kênh (trong trường hợp này là BuzzSprout) như vậy bạn mới có nguồn cấp dữ liệu RSS feeds để gửi kênh lên Apple postcasts/ Sportify/ Google postcasts. Các ứng dụng nghe podcast như: Appple Podcasts, Spotify, Google Podcasts… thu thập dữ liệu podcast của chúng ta thông qua RSS Feeds và liệt kê chúng theo danh mục để mọi người có thể nghe, tìm kiếm và đăng ký kênh.
2. BuzzSprout chỉ tính theo thời gian các tập podcast bạn nhé. Ví dụ như 2 file có cùng độ dài 5 phut nhưng 1 cái nặng 1Gb, 1 cái nặng 2Gb thì họ vẫn chỉ tính thời gian là 5 phút thôi. Tức là không giới hạn dung lượng lưu trữ file. Còn tất nhiên 1 file bitrate cao thì sẽ nặng hơn 1 file bitrate thấp, nhưng bù lại chất lượng âm thanh sẽ hay hơn
3. Mình sẽ lên bài về vodcast trong thời gian tới bạn nhé
mình đang nghiên cứu podcast thấy bài của bạn rất chi tiết. Mình sẽ thử làm theo nhé. Cảm ơn cha sẻ của bạn
Cảm ơn b đã đọc chia sẻ của mình
Cảm ơn bạn đã có bài viết dễ hiểu, mình sẽ cố gắng làm theo. Bạn Cho mình hỏi ngoài dịch vụ Buzz có còn dịch vụ nào tốt nữa không?
Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của mình. Ngoài Buzzspout còn rất nhiều dịch podcast hosting khác. Bạn có thể đọc bài này để tìm hiểu thêm: https://quanthanham.com/podcast-hosting.html
Tuy nhiên, buzzspout vấn là hosting dễ sử dụng nhất và tiện lợi nhất.nó hỗ trợ gửi kênh lên rất nhiều nền tảng nghe podcast khác nhau chỉ với 1-2 click chuột. Những podcast hosting khác thì thao tác phức tạp hơn
Cảm ơn bạn rất nhiều kiến thức này rất hữu ích với mình
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết
Bài viết rất chi tiết và rất hữu ích. Cảm ơn bạn
Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của mình
Dạ chào anh, em làm giống bài viết anh đã chia sẻ
Nhưng trên apple podcast nó đang xếp hạng video ở dạng “thô tục”ạ trong khi video của em đăng về chủ đề giáo dục
Liệu có phải do lúc set up kênh không ạ
Lúc setup bạn có đánh tick xác nhận “This podcast contains explicit material.” ko?
Dạ đã tick anh ạ, không biết anh đã gặp vấn đề này chưa
Em có đăng các video form khác, vẫn bị đánh giá như vậy ạ
[…] ĐỪNG BỎ LỠ: Cách tạo kênh podcast: hướng dẫn từ A-Z […]
Mình là người mới “toe”, là một “tờ giấy trắng”, chưa biết gì về podcast, mình đam mê và muốn làm podcast thì bắt đầu từ đâu ạ? Xin các cao nhân chỉ giáo ạ? ?
Mình nghĩ là nội dung bài khá đầy đủ rồi đó bạn, bây giờ là lúc xác định tư duy và định hướng thôi
Biết ơn ad về sự chia sẻ hữu ích này. Mình chưa có blog và web cơ.
Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của mình. Blog thì bạn tìm hiểu một chút là có thể tự làm được mà ^^
Cảm ơn Quán Thanh âm đã chia sẻ những kiến thức tuyệt vời tới mọi người. Và mình có câu hỏi là sao mình nhấn vào ô đăng ký dùng thử miễn phí là bị lỗi truy cập bị từ chối nhỉ? Cảm ơn bạn nhiều và mong sớm nhận được mail của bạn
Bạn xóa cookie trình duyệt hoặc dùng trình truy cập web khác để thử lại nhé
Bài viết rất hữu ích cho newbie như mình. Cảm ơn tác giả
Cảm ơn b đã đọc chia sẻ của mình
Cảm ơn bạn đã chia sẻ những thông tin hữu ích, mình muốn hỏi là có thể tạo ra thu nhập từ postcast như ở trên ứng dụng ticktoker chẳng hạn
Hiện tại thì ở VN podcast chưa được bật chức năng kiếm tiền bạn nhé. Cách duy nhất để kiếm tiền bằng podcast đó là bạn tạo nội dung thật chất lượng, nhiều ng theo dõi rồi nhận book quảng cáo thôi