Bạn có đồng ý với mình rằng: đặt tên kênh là bước tốn nhiều thời gian nhất khi bắt đầu làm podcast.
Cũng giống như Youtube, Tiktok hay blog/website, tên kênh podcast đóng vai trò rất quan trọng trong việc nhận diện thương hiệu. Ngoài ra, nó còn liên quan tới một số vấn đề khác, ví dụ như:
- Giúp cho podcast của bạn dễ tìm thấy hơn trên các ứng dụng nghe podcast
- Tăng cường SEO trong kết quả tìm kiếm của Google.
- Tiếp cận đối tượng mục tiêu.
Làm sao để tên kênh vừa rõ ràng, vừa ấn tượng mà lại vừa hài hước???
Có thể bạn sẽ phải thức hàng đêm để suy nghĩ nhưng thật khó để cân bằng hết những yếu tố trên. Vì vậy, hãy tận dụng khoảng thời gian “thức đêm” đó để tìm ra một cái tên phù hợp.
Vậy nên cân nhắc những yếu tố nào?
Làm sao để tên kênh gói gọn nội dung podcast và thu hút người nghe?
Những điều cần tránh khi đặt tên podcast là gì?
Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời tất cả những thắc mắc trên!
Nội dung chính
Kiểm tra tên kênh
Trước tiên bạn cần kiểm tra xem đã có ai sử dụng tên đó chưa?
Hãy truy cập vào các ứng dụng nghe podcast phổ biến như: Apple Podcasts, Spotify, Google Podcasts… rồi gõ tên định đặt vào ô tìm kiếm.
Nếu có rồi thì bỏ qua, nếu chưa thì tiếp tục tìm kiếm trên Google theo cấu trúc: “tên định đặt” + “podcast”.
Nếu phát hiện tên đã được sử dụng nhưng kênh đó đã ngừng hoạt động thì cũng đừng vội đưa ra quyết định.
Hãy liên hệ với chủ kênh xem họ có ý định xóa bỏ hoặc bán lại cho bạn không? Nếu không, tốt nhất bạn nên tìm một cái tên khác vì rất nhiều kênh tuy bỏ giữa chừng nhưng RSS feeds vẫn hoạt động nên vẫn xuất hiện trên các ứng dụng nghe podcast.
Nếu bạn cố lấy vì nghĩ rằng vị trí địa lý và ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau thì cũng không sao, nhưng hãy nhớ rằng: người nghe có thể tìm podcast ở khắp nơi trên thế giới, kênh nào ra đời trước, có nhiều lượt nghe và theo dõi hơn sẽ xếp trước và kênh của bạn sẽ chìm nghỉm trong kết quả tìm kiếm.
Tóm lại: việc đặt tên kênh giống nhau sẽ gây nhầm lẫn và làm chậm quá trình thu hút người nghe mới, kể cả khi kênh trùng tên đã ngừng hoạt động.
3 cách đặt tên podcast
Trong podcasting có 3 trường phái đặt tên kênh đó là: kiểu sáng tạo, theo chủ đề và sử dụng tên thật.
Đặt tên kiểu sáng tạo
Đặt tên theo kiểu này là một cách chơi chữ, sử dụng các từ ngữ ẩn dụ hoặc một thuật ngữ thuộc chủ đề mà kênh đang thực hiện.
Ví dụ: bạn lấy tên là “lướt sóng” nhưng nội dung sẽ không nói về chủ đề lướt sóng trên bãi biển mà lại là chứng khoán hay tiền điện tử vì đây là thuật ngữ trong 2 lĩnh vực này.
Hoặc bạn làm về chủ đề Phật Giáo có thể đặt là Tịnh Tâm, Pháp Âm… chủ đề tin tức thì là Quán Trà Đá, Vỉa Hè…
Một số tên khi nhìn qua sẽ “hiểu sơ sơ” về chủ đề đang làm còn hầu hết là quá trừu tượng nên sẽ không thể hiểu nội dung kênh là gì.

Tên kiểu sáng tạo phù hợp với những người có khả năng làm nội dung tốt, đã có lượng khán giả từ trước hoặc ngân sách quảng cáo lớn.
Ưu điểm của cách này đó là giúp cho kênh nổi bật giữa hàng trăm chương trình khác và không bị giới hạn về nội dung. Tuy nhiên, sẽ không có lợi khi người nghe tìm kiếm về một chủ đề cụ thể nào đó.
Nếu vậy, cách thứ 2 sẽ là lựa chọn thích hợp cho bạn!
Đặt tên theo chủ đề
Đây là cách được nhiều người áp dụng nhất vì nó mô tả đúng chủ đề kênh đang thực hiện, chỉ cần nhìn tên là biết nội dung kênh. Ví dụ như: Cafe Bất động sản, Tin bóng đá, Tiếng anh mỗi ngày, Tài chính kinh doanh…

Nếu podcast của bạn nói về việc nuôi dạy con cái, bạn có thể đặt luôn là “nuôi dạy con cái” hoặc “chăm sóc bé”. Nếu về thời trang thì là “thời trang” hoặc “quần áo”.
Với cách này bạn không nên sử dụng các từ hoặc cụm từ chung chung. Ví dụ: tránh đặt là “podcast” nếu chương trình của bạn nói về nuôi dạy con cái.
Nói chung càng cụ thể càng tốt, để mọi người biết được những gì họ chuẩn bị nghe.
Tên theo chủ đề không chỉ rõ ràng mà còn tiếp cận đối tượng mục tiêu dễ hơn. Ngoài ra nó còn rất có lợi trong việc tìm kiếm trên các ứng dụng podcast và đặc biệt là SEO vì hiện nay Google đã bắt đầu đưa podcast vào kết quả tìm kiếm của họ.
Có thể bạn nghĩ rằng đặt tên theo kiểu này sẽ hơi nhàm chám và không ấn tượng, nhưng chỉ cần nội dung của bạn không nhàm chám là được, người nghe sẽ không quan tâm đến tên kênh đâu.
Sử dụng tên của bạn
Những người sử dụng tên thật để đặt tên podcast thường có một điểm chung đó là: đã có lượng người theo dõi từ trước khi họ làm podcast.

Sử dụng tên thật sẽ không cung cấp cho người nghe gợi ý nào về nội dung kênh đang thực hiện. Ví dụ: nếu bạn chưa từng nghe về Giang Ơi thì chắc chắn không thể biết podcast Giang Ơi Radio nói về chủ đề gì.
Ưu điểm của cách này đó là không giới hạn nội dung, có thể nói về nhiều lĩnh vực khác nhau vì podcast là nơi để bạn thể hiện quan điểm cá nhân.
Tất nhiên, nếu là người mới bạn vẫn có thể sử dụng tên thật cho kênh của mình nhưng sẽ mất một thời gian dài để làm nội dung và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Một số mẹo nhỏ khi đặt tên podcast
Trong phần này chúng ta sẽ cùng nhau khám phá một số tips nhỏ để tìm ra cái tên ưng ý nhé!
Chọn tên ngắn gọn, dễ phát âm
Bạn nên chọn một cái tên ngắn gồm 3-4 từ và 15-20 ký tự, như vậy sẽ dễ nhớ hơn và thuận tiện khi phát âm.
Ngoài ra, khi thiết kế ảnh đại diện (Cover art) thì tên ngắn ngọn sẽ dễ lồng ghép hơn và được hiển thị rõ ràng trên ứng dụng podcast, công cụ tìm kiếm và các bản xem trước.
Về bản chất, podcast là một nền tảng âm thanh, vì vậy tên kênh phải dễ nhận biết và dễ phát âm, kể cả khi chỉ nghe lướt qua.
Hãy thử nói to tên podcast của bạn bằng nhiều câu và ngữ cảnh khác nhau. Ví dụ như:
“Xin chào, mình chủ nhân của…….”
“Chào mừng bạn đến với ……..”
“Bạn đang nghe…….”
Một điều không kém phần quan trọng đó là: hãy chọn một cái tên bạn thích và muốn nói vì đó là từ bạn sẽ phát âm rất nhiều lần.
Chọn từ khóa phổ biến để tăng khả năng tìm kiếm
Dùng những từ khóa phổ biến để đặt tên podcast là một lựa chọn thông minh. Cách này sẽ giúp người nghe dễ dàng tìm thấy kênh của bạn trên ứng dụng nghe podcast và các công cụ tìm kiếm (Google, Bing…)
Hãy sử dụng những công cụ nghiên cứu từ khóa như: kwfinder, google trends… để tìm ra keyword được nhiều người quan tâm rồi biến nó thành tên podcast của bạn.
Khi người nghe tìm kiếm một thuật ngữ hay từ khóa nào đó, ứng dụng nghe podcast sẽ đưa ra một danh sách kênh liên quan.
Những ứng dụng này trả kết quả dựa vào tên kênh, tên tác giả và tiêu đề tập podcast chứ không lấy dữ liệu từ shownote hay phụ đề.
Tuy nhiên, kể cả khi tên podcast của bạn rõ ràng và sát với từ khóa nhất thì cũng chưa chắc đã được xếp hàng đầu.
Điều này là do kênh khác cũng có tên tương tự, đã tồn tại từ trước và có lượng người theo dõi lớn hơn nên thứ hạng sẽ cao hơn.
Trong podcasting có một số chủ đề cực kỳ cạnh tranh, ví dụ như: tài chính, kinh doanh, marketing, sách nói, học tiếng Anh…Vì vậy, nếu bạn là người mới và làm về những chủ đề trên thì rất khó để đạt thứ hạng cao trong kết quả tìm kiềm
Thế nhưng nếu bạn làm về lĩnh vực như chăm sóc thú cưng, chăm sóc nhà cửa… thì sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện ở đầu hơn.
Trong trường hợp chủ đề bạn đang làm quá cạnh tranh thì cũng đừng nản chí, hãy tiếp tục xuất bản nội dung chất lượng, khuyến khích người nghe chia sẻ và đăng ký kênh.
Hãy tập trung thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc cho podcast của mình và đừng quá bận tâm đến podcaster khác đang làm gì.
Chỉ cần mang lại cho người nghe những nội dung độc đáo và giá trị thì chắc chắn podcast của bạn sẽ dần cải thiện thứ hạng trên kết quả tìm kiếm, kể cả khi đó là một chủ đề rất cạnh tranh.
Sử dụng những công cụ hỗ trợ
Sau nhiều đêm thức trắng nếu bạn vẫn chưa nghĩ ra một cái tên ưng ý thì hãy sử dụng những công cụ hỗ trợ. Chỉ cần nhập từ khóa và chúng sẽ đưa ra rất nhiều gợi ý, nếu may mắn bạn sẽ tìm thấy một cái tên phù hợp.
Dưới đây là một số công cụ trực tuyến có thể giúp bạn đặt tên podcast, tất cả đều miễn phí và có khả năng đưa ra đề xuất cụ thể nhất.
- Business Name Generator
- Shopify’s Name Generator
- Namelix
- Kopywriting Kourse
- Biz Name Wiz
- Squad Help
- NameMesh
- Mighty Network’s Niche Generator
Những điều cần tránh
Trong quá trình đặt tên podcast có một số vấn đề bạn cần tránh, cụ thể như sau:
Thêm “podcast” vào tên kênh
Rất nhiều người thường thêm từ “podcast” vào tên kênh. Ngay cả bản thân mình cũng vậy, khi mới bắt đầu tham gia vào podcasting cũng thường đặt tên theo kiểu [tên] + podcast.
Thực tế việc này không có hại gì cả nhưng hơi thừa vì người nghe khi tìm kiếm trên các ứng dụng như Apple Podcasts, Spotify… đều biết rằng bạn đang làm podcast.
Ngoài ra, một cái tên chứa từ “podcast” sẽ ảnh hưởng tới không gian thiết kế ảnh bìa, viết mô tả, đoạn giới thiệu hay các bản xem trước.
Vì vậy, thay vì thêm “podcast”, hãy sử dụng các từ khóa sáng tạo hoặc mô tả nội dung. Ví dụ: Marketing Podcast bạn có thể đặt là Marketing Mỗi Ngày.
Tuy nhiên, có một vài trường hợp ngoại lệ vẫn có thể thêm từ “podcast”.
Trường hợp 1: có cùng một thương hiệu nhưng lại hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau.
Ví dụ: bà xã mình sở hữu một blog có tên là Bảo Trâm Blog. Đến khi làm podcast thì hoàn toàn có thể lấy tên là Bảo Trâm Podcast, điều này giúp cho mọi người không bị nhầm lẫn giữa 2 nền tảng blog và podcast (chữ viết và âm thanh).
Hoặc blog Ngọc Đến Rồi và kênh Ngọc Đến Rồi’s Podcast cũng tương tự như vậy.
Trường hợp 2: Khi nội dung podcast nói về podcasting.
Nếu kênh của bạn nói về cách làm podcast thì hoàn toàn có thể thêm từ “podcast” vào tên kênh. Như vậy người khác sẽ hiểu rõ chủ đề của kênh là gì, ngay cả khi họ chưa nghe tập nào. Ví dụ: Học làm podcast, Thủ thuật podcast…
Từ liên quan đến tên miền, thương hiệu nổi tiếng
Khi đặt tên podcast nên tránh những từ khóa liên quan đến tên miền, tên mạng xã hội. Hãy sử dụng Namecheckr để kiểm tra xem có bị trùng lặp hay không.
Ngoài ra, tên podcast giống những thương hiệu nổi tiếng hoặc nhãn hiệu đã có bản quyền cũng là điều cần tránh. Hãy sử dụng Google, kết hợp tìm kiếm trên các ứng dụng podcast để chắc chắn rằng chưa có ai đăng ký bản quyền cái tên đó.
Ký tự đặc biệt, viết tắt, lỗi chính tả, nhồi nhét từ khóa
Sử dụng chữ viết tắt, lỗi chính tả, ký tự đặc biệt khi đặt tên podcast sẽ khiến cho người nghe gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm.
Không nên chọn những từ quá dài hoặc nhồi nhét từ khóa vì thuật toán của Apple Podcasts (ứng dụng nghe podcast lớn nhất thế giới) sẽ phát hiện ra điều này và có thể đưa kênh của bạn vào dạng spam.
Đã có một số báo cáo về việc kênh bị các ứng dụng podcast từ chối vì podcaster thêm tên của họ vào tên kênh. Ví dụ như: Học Yoga cùng Trang, Tin học cùng Tuấn…
Trong trường hợp này hãy đưa tên của bạn vào mục tác giả (Artist) và giữ lại tên podcast kết hợp với những từ mô tả nội dung, làm như vậy sẽ tránh được những rủi ro tiềm ẩn.
Ví dụ như ảnh dưới, 1 kênh mình chụp trên ứng dụng Apple Podcasts.
Ở đây bạn sẽ thấy tên kênh là Đọc và Học, còn tên tác giả là Nguyen Van Tho. Như vậy, cả 2 vẫn được hiển thị đầy đủ mà không nhất thiết phải đặt là: Đọc và Học cùng Nguyen Van Tho.
Tóm lại, hãy cố gắng sử dụng từ ngữ ngắn gọn và cô đọng nhất. Những từ khóa và thuật ngữ thân thiện với SEO sẽ giúp cho podcast của bạn dễ tiếp cận với người nghe hơn.
Từ ngữ nhạy cảm, thô tục
Việc sử dụng các từ hoặc cụm từ nhạy cảm, thô tục trong tên podcast sẽ không làm cho kênh của bạn nổi bật hơn đâu.
Trên thực tế, hành động này thường phản tác dụng vì Apple Podcasts sẽ không phê duyệt podcast đó.
Tại Việt Nam mình chưa thấy podcast nào có tên nhạy cảm nhưng trên thế giới thì có rất nhiều podcaster đã “lách luật” bằng cách sử dụng dấu “*” để thay thế chữ cái trong 1 từ nào đó, ví dụ như: like sh*t, f*ck…
Tuy nhiên, những kênh này đều gặp khó khăn trong quá trình xuất hiện trên các ứng dụng podcast hàng đầu, không được phê duyệt hoặc hoạt động một thời gian thì bị cấm.
Vì vậy, hãy tránh xa những từ ngữ nhạy cảm khi đặt tên podcast bạn nhé!
Một số câu hỏi thường gặp
Hãy tìm trên các ứng dụng nghe podcast (Apple Podcasts, Spotify, Google Podcasts) xem đã có ai sử dụng tên đó chưa. Nếu chưa thì tiếp tục tìm kiếm trên Google theo cấu trúc: “tên” + “podcast”
Có, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tìm kiếm, gây nhầm lẫn và làm chậm quá trình thu hút người nghe, kể cả khi 1 trong 2 kênh đã ngừng hoạt động.
Bạn có thể đổi tên kênh trong podcast hosting. Các ứng dụng nghe podcast sẽ tự đồng bộ và cập nhật tên mới.